Hotline: 0908961396

Lao đao ngành gạo

27/12/2016
Lao đao ngành gạo
Trước tình hình lao đao của ngành gạo, sự thiếu hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước đối với doanh nghiệp thể hiện thông qua những quy định mới trong lĩnh vực thuế và đầu tư đã làm cho các doanh nghiệp khó càng thêm khó.
Năm 2016 là một năm đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hạn hán trên diện rộng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và gần như toàn bộ các tỉnh, mất mùa nhưng lại mất giá, các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Malaysia giảm nhập gạo... đã dẫn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xay xát, chế biến, xuất khẩu gạo ngập trong khó khăn.
Khó từ thị trường...
Theo báo cáo về tình hình hạn mặn, xâm nhập mặn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị giao ban công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào tháng 4-2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm toàn vùng thiệt hại trên 208.000 héc ta lúa, sản lượng lúa giảm 700.000 tấn, tương đương khoảng 350.000 tấn gạo. Thực trạng này khiến giá lúa gạo trong nước tăng mạnh. Theo số liệu thống kê từ Viện Chiến lược và chính sách tài chính, từ đầu năm đến cuối tháng 3, giá gạo nguyên liệu đã tăng đến 1.000 đồng/ki lô gam dẫn đến sản lượng mua của doanh nghiệp giảm khoảng 400 tấn/ngày.
Gạo mua vào với mức giá cao, trong khi giá gạo quốc tế giảm do Thái Lan từ đầu năm nay đã thực hiện chương trình bán gạo với quy mô lớn chưa từng có (tổng lượng bán ra theo kế hoạch là 11,4 triệu tấn). Mặt khác, loại gạo Thái Lan bán ra chủ yếu là gạo trắng giá thấp, đây là dòng gạo cạnh tranh trực tiếp với dòng gạo đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của nước ta.
...đến thuế
Trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh gạo gặp nhiều khó khăn, những quy định thiếu thống nhất và gây nhiều tranh cãi được thông qua trong thời gian gần đây lại một lần nữa chất thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp.
Theo Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 12-8-2016, cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quí thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động xay xát và chế biến lương thực, sẽ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, theo quy định tại Luật Thuế GTGT hiện hành. Trong khi đó, số thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này lại rất lớn, như các khoản mua điện sản xuất, vận chuyển hàng hóa, và các dịch vụ khác... Như vậy, số thuế được khấu trừ vào kỳ tiếp theo áp dụng đối với hoạt động xay xát và chế biến lương thực luôn bằng 0 hoặc một con số rất nhỏ.
Mặc khác, cũng theo quy định tại Thông tư 130, trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết trước thời điểm thông tư này có hiệu lực, nếu đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế. Tuy nhiên, việc đưa ra ví dụ giải thích tại văn bản này lại không thể hiện đúng tinh thần đó. Cụ thể, các doanh nghiệp phát sinh khoản hoàn thuế theo Thông tư 130 ngay cả trước thời điểm thông tư có hiệu lực vẫn phải áp dụng Thông tư 130 nếu vào thời điểm Thông tư 130 có hiệu lực doanh nghiệp chưa đủ 12 tháng khấu trừ lũy kế. Điều này dẫn đến một thực tế là “các cơ quan thuế viện dẫn sự thiếu thống nhất này để từ chối việc hoàn thuế cho doanh nghiệp”, theo ông Trần Văn Hữu - đại diện tập thể các doanh nghiệp xay xát và chế biến lương thực ĐBSCL.
...và giấy phép xuất khẩu
Ngày 22-11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Không có gì thay đổi so với Nghị định 109/2010/NĐ-CP, xuất khẩu gạo tiếp tục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mặc dù trước đó đã có nhiều ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp và các nhà khoa học về những hậu quả gây ra đối với nền nông nghiệp khi duy trì quy định này. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xuất khẩu gạo liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam nên cần phải được quản lý chặt chẽ.
Như vậy, doanh nghiệp muốn được cấp và duy trì giấy phép xuất khẩu gạo phải đạt được những yêu cầu về số lượng lớn gạo dự trữ, công suất xay xát... điều mà hầu hết doanh nghiệp với quy mô nhỏ và vừa như ở nước ta chưa đạt được. Hậu quả là để xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp này phải liên kết với các doanh nghiệp đã có giấy phép, phần nhiều là các doanh nghiệp nhà nước thuộc các tổng công ty lương thực (Vinafood 1 và Vinafood 2), trong khi họ là người thực hiện hầu như toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh. Việc hạn chế khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp gạo càng đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn vì họ không thể hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm đối tác mới cũng như phải chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp cạnh tranh trong cùng lĩnh vực.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp?
Với trình trạng của ngành gạo hiện nay, bên cạnh những giải pháp mang tính dài hạn như thay đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với nông dân thông qua hợp đồng nông nghiệp, canh tác trên cánh đồng mẫu lớn... thì cần thiết phải có những biện pháp mang tính chất cấp bách, có thể thực hiện ngay để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại.  
My Hang
caosu.net.vn