Người dân ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đang đua nhau cạo mủ những diện tích cao su chưa đến tuổi khai thác, khiến sự phát triển và tuổi thọ của cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gia đình ông Trần Văn Bích ở xã Hương Hòa có 1,6ha cao su trồng vào cuối năm 2006. Năm 2009, số cao su này bị gãy đổ do bão lớn, nên gia đình ông phải khôi phục lại. Hiện diện tích cao su này mới gần 5 năm tuổi, cây còn rất nhỏ, nhưng gia đình ông đã khai thác mủ từ nhiều tháng nay.
Ông Bích cho biết, nguyên nhân khiến ông khai thác non cao su là do cuộc sống khó khăn và sức ép nợ ngân hàng. Để trồng số cao su này, ông đã phải vay ngân hàng hàng chục triệu đồng, giờ không khai thác mủ cao su non thì không đào đâu ra tiền để trả lãi. Hơn nữa, hiện đời sống gia đình ông cũng hoàn toàn trông chờ vào vườn cao su, nên không cạo mủ sẽ không có tiền để sinh sống và nuôi con cái ăn học. “Phải cạo mủ vườn cao su khi cây chưa đến thời điểm khai thác tui xót ruột lắm nhưng không còn cách nào khác”- ông Bích thở dài.
Không riêng gì gia đình ông Bích, tình trạng “ăn non” cao su diễn ra phổ biến ở Hương Hòa cũng như các xã Hương Lộc, Hương Phú. Theo thống kê bước đầu của Phòng NNPTNT huyện Nam Đông, đã có hơn 30ha cao su gần 5 năm tuổi ở các xã này bị người dân cạo mủ sớm vì nợ nần và bức xúc cơm áo. Nhiều hộ cạo mủ với tần suất dày đặc vì muốn thu được nhiều tiền khiến những diện tích cao su mới lớn bị vắt kiệt.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Nam Đông, hiện toàn huyện có 3.538ha cao su, chiếm 50% diện tích cây cao su của toàn tỉnh, trong đó có 1.500ha ở tuổi khai thác mủ. Tất cả diện tích cao su bị người dân cạo mủ non ở các xã đều nằm trong số hơn 416ha cao su trồng năm 2006 trên địa bàn huyện. Năm 2009, diện tích này từng bị gãy đổ vì bão nên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vốn đã bị ảnh hưởng nặng.
Trước thực trạng người dân đua nhau khai thác mủ cao su non, ngành nông nghiệp huyện Nam Đông đã cử cán bộ xuống tận cơ sở tuyên truyền vận động người dân chỉ khai thác mủ khi cao su đã hội đủ các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo những hộ dân khai thác cao su non, vấn đề nan giải nhất hiện nay của họ là tiền nợ ngân hàng và những chi phí cho cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, dân sẽ khó nghe lời huyện một khi những khó khăn của họ chưa được hỗ trợ tháo gỡ.