Được biết, hầu hết dây chuyền sản xuất mủ cao su ly tâm được nhập đồng bộ từ nước ngoài, từ phần mềm đến phần cứng. Do đó, mỗi lần có hỏng hóc trong dây chuyền sản xuất, công ty lại phải nhờ đến các chuyên gia nước ngoài sang sửa chữa và gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất. Trước tình hình đó, anh Thụy cùng cộng sự của mình đã bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu kỹ nguyên lý hoạt động của phần mềm điều khiển dây chuyền sản xuất mủ cao su ly tâm. Nhược điểm của phần mềm này là mỗi khi vận hành, động cơ có thể gây tính ì cao trong khi tăng tốc, kéo dài thời gian khởi động máy nên tiêu tốn nhiều điện năng.
Việc sử dụng phần mềm này còn làm giảm tuổi thọ mô tơ, gây ảnh hưởng đến hệ thống chuyển động của động cơ ly tâm như dây curoa, bạc đạn. Sau 2 tháng miệt mài nghiên cứu, anh Thụy cùng cộng sự đã viết xong phần mềm cải tiến điều khiển dây chuyền sản xuất mủ ly tâm. Phần mềm mới không chỉ giảm điện năng lúc khởi động mà còn làm giảm tần số nguồn (tức giảm gia tốc thời gian của motor), làm tăng độ bền cho thiết bị máy móc. Nhờ đó, nhà máy cũng chủ động được trong việc vận hành và sửa chữa dây chuyền sản xuất mủ ly tâm khi gặp sự cố. Không chỉ cải tiến thành công phần mềm điều khiển máy ly tâm, anh Thụy còn cải tiến thành công hệ thống biến tần điều khiển tốc độ cho bộ phận biến đổi vít đùn của dây chuyền sản xuất bao bì PE.