Cao su chết hàng loạt
Không khí lao động của bà con nông dân trồng cao su ở thôn Quảng Xá (xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh) những ngày này thật ảm đạm. Từ 3 tháng tới nay, bà con dở khóc dở mếu vì hàng nghìn cây cao su sắp cho khai thác bỗng dưng bị bệnh chết hàng loạt. Ngồi bệt trên đám cỏ ướt, chị Trần Thị Hằng nói trong nước mắt: "Cách đây 5 năm, vợ chồng tui tìm đến với cây cao su để thoát nghèo. Bao vốn liếng ky cóp được cộng với tiền vay ngân hàng dồn vào đầu tư trồng cao su, vậy mà nay cây này chết hết, khó khăn không biết phải tháo gỡ thế nào".
Phần lớn những hàng cây cao su vào thời điểm này đã rũ lá, héo quắt, số ít trong đó còn sống sót được, bà con cứu vãn bằng cách bôi vôi trắng quanh thân, từ ngọn xuống gốc để chống nấm bệnh tấn công. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, phương pháp tình thế này không mấy khả thi vì hầu hết cây trong số đó vẫn có dấu hiệu đang chết dần.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – cán bộ Văn phòng UBND xã Vĩnh Linh, cho biết: "Xã Vĩnh Long có trên 300ha cây cao su, trong đó trên 2/3 diện tích sắp cho khai thác bị bệnh chết hàng loạt. Xã mới thống kê ở 8/14 thôn mà đã có tới 51.273 cây bị chết; chúng cứ rũ lá, héo thân rồi chết dần”.
Thiệt hại 2 tỷ đồng mỗi ngày
Cả thôn Quảng Xá có 120 hộ dân, với 470 nhân khẩu. Từ 5 năm lại đây, có tới 90% hộ gia đình ở đây đầu tư trồng cây cao su, với tổng diện tích 40ha.
Ông Lê Văn Chiến – Trưởng thôn Quảng Xá, cho biết: "Khi phát hiện cây cao su bị bệnh, thôn đã báo cáo lên các cấp. Ngay sau đó, cán bộ Phòng NNPTNT và Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã về địa phương tìm hiểu, hướng dẫn bà con cách phòng trừ loại bệnh này. Mặc dù bà con đã hết sức tuân thủ các hướng dẫn sử dụng, phun thuốc phòng bệnh của cán bộ, nhưng không một cây cao su nào hết bệnh, thậm chí bệnh lây lan ngày một nhanh và rộng hơn".
Lúc đầu theo cán bộ hướng dẫn, bà con phun loại thuốc có tên khoa học là Ridomil, nhưng bệnh không khỏi, bà con lại được hướng dẫn chuyển sang phun loại thuốc Anvil. Tuy nhiên, loại này cũng không trừ được bệnh. Trước tình thế đó, bà con cứu vãn bằng cách bôi vôi trắng lên lá, thân và cả gốc cây. “Nhưng bôi trắng xoá toàn thân cây rồi mà chúng vẫn cứ bị bệnh và chết” – ông Chiến thở dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Sơn – Phó Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Linh, cho biết: "Vĩnh Linh có tổng diện tích cao su tiểu điền 6.466ha. Hiện tại, có 5.000ha cao su chiếm khoảng 80% diện tích trên toàn huyện bị bệnh này, trong đó thiệt hại nặng khoảng 40%. Nếu tính bình quân 1ha cao su cho lãi 500.000 đồng/ngày, thì khoảng 4.000ha cây cao su kinh doanh bị bệnh, không cạo mủ được gây thiệt hại cho nông dân Vĩnh Linh mỗi ngày tới 2 tỷ đồng”.
Không riêng gì Vĩnh Linh, cây cao su tiểu điền ở các xã miền tây huyện Gio Linh cũng bị bệnh chết hàng loạt từ gần 3 tháng nay, nhưng chưa cách gì cứu chữa.
Kon Tum: Cây cao su rụng lá bất thường
Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng cao su ở các nông trường cao su thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum xuất hiện hiện tượng lá non cao su rụng bất thường đe dọa nghiêm trọng tới sản lượng khai thác mủ. Do thời tiết bất thường sau khi rụng, lá non mọc lại được khoảng 15 – 20 ngày thì lại rụng tiếp. Những cây khỏe, lá không rụng nhưng cũng quăn queo. Số diện tích cao su bị rụng lá lần 4 chiếm tới 600ha/1.500ha toàn nông trường.