Cây cao su đã đem lại những gì cho người dân Quảng Trị suốt từ sau năm 1954 đến nay, tự hiện thực sống động sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất. Xin đơn cử, nếu không có sự hiện diện của cây cao su thì vùng chiến khu Thủy Ba xưa, thuộc thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) vẫn mãi mãi là vùng đất thâm sơn cùng cốc, heo hút, khó nghèo. Bây giờ, Tân Thủy là mô hình điểm về phát triển kinh tế gò đồi của huyện Vĩnh Linh. Từ vùng gò đồi hoang hóa, người dân đã biến vùng đất này thành những trang trại cao su cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Trong số hơn 70 hộ dân sinh sống tại Tân Thủy, số hộ giàu chiếm trên 50 %, đây cũng là thôn duy nhất của xã không có hộ nghèo. Đến nay toàn xã đã có trên 1.000 ha cao su. Thu nhập bình quân của mỗi hộ trồng cao su ở Vĩnh Thủy từ 1-1,2 triệu đồng/ngày, vào thời kỳ cao điểm, cao su được giá, thu nhập hộ đạt từ 3-5 triệu đồng/ngày. Thử hỏi trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng bất lợi, địa bàn xa xôi, cách trở, khó khăn chồng chất như Tân Thủy, có loại cây nào có thể sánh được về hiệu quả kinh tế, môi trường như cây cao su?
Không thể hình dung sẽ ra sao nếu không có cây cao su đứng chân trên miền Tây Gio Linh, vùng gò đồi Tân Lâm, Cùa, mở rộng lên cả vùng Lìa- Hướng Hóa, nơi đất đai khê nồng vì ô nhiễm bom mìn, thời tiết khắc nghiệt, cằn khô sỏi đá giữa nắng lửa, mưa dầm, chỉ thích hợp với lau lách, cây rừng nghèo kiệt và cỏ dại? Cho đến hôm nay, hàng vạn người đã và đang sống một cuộc sống nhiều hy vọng từ loại cây công nghiệp chủ lực này. Hướng khai thác có hiệu quả trên vùng gò đồi hiện thời và trong tương lai gần, người nông dân vẫn xác định, cây cao su là một trong những loại cây trồng then chốt.
Đối với tỉnh Quảng Trị, sau 54 năm kể từ khi cây cao su được trồng đến nay đã chứng minh rất rõ những ưu điểm về kinh tế, xã hội, môi trường. Toàn tỉnh hiện có trên 19.000 ha cao su, sản lượng mủ hàng năm là 14.332 tấn. Với giá trung bình khoảng 50 triệu đồng/ tấn mủ cao su (giai đoạn từ năm 2009- 2011 có lúc giá cao su đạt mức cao kỷ lục 120 triệu đồng/tấn), mỗi năm Quảng Trị thu về từ cao su hơn 500 tỷ đồng/năm, chiếm gần 10% GDP nông nghiệp, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động nông thôn, mở ra ngành công nghiệp chế biến cho các nhà máy chế biến cao su, khai thác tiềm năng lợi thế, hình thành vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiệu quả thực tế từ cây cao su đem lại khẳng định chủ trương mở rộng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, được người dân đồng tình ủng hộ.
Anh Tống Phước Trị, người viết văn ở Vĩnh Linh, có thời gian gắn bó khá dài với cây cao su ở Nông trường Quyết Thắng, chia sẻ trên facebook: "Không dễ dàng phủ nhận một cây trồng mà hôm qua còn tôn vinh là "vàng trắng", là cây "xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu"; mới tổ chức mừng công mà qua một trận bão với tần suất 25 năm/ lần, đã vội đòi triệt hạ nó đi...để trồng mít! Cách đây 5 năm, ngày 17/9/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định Số: 2855/QĐ- BNN-KHCN, chính thức công bố cây cao su là cây đa mục đích có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp (trước đó cây cao su chỉ được coi là cây công nghiệp dài ngày). Nếu bây giờ có chủ trương triệt hạ nó khác nào ... phá rừng! Người nông dân khóc khi cao su gãy đổ sau bão chỉ khóc vì món "tiền tươi, thóc thật" khá lớn trong túi họ bỗng chốc biến mất một thời gian chứ không phải khóc vì trắng tay, mất vốn!
"Nhiệm kỳ kinh tế" của cây cao su khoảng 30 năm, tần suất bão lớn ở miền Trung là 25 năm/ cơn. Một tỉnh bị bão không phải cả tỉnh bị "sát ván" mà có huyện nhẹ, huyện nặng. Trong một huyện bị bão cũng có xã nặng, xã nhẹ và trong một lô cao su, hay rừng trồng, không phải tất cả đều bị gãy đổ. Có những hộ trồng 4 ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn do trúng luồng gió mạnh nhưng số này là cá biệt, một sự rủi ro trong sản xuất kinh- doanh như bất cứ ngành nghề sản xuất- kinh doanh nào. Chỉ có cây cao su nào bị gãy ngang thân gần sát đất, bật gốc nằm ép sát đất là không thể phục hồi, còn nếu chỉ gãy cành cấp I và gãy ngang thân nhưng phần thân còn lại trên 2 mét (những người trồng cao su gọi là phần thân kinh tế) thì khả năng phục hồi vườn cây là hoàn toàn có thể. Hãy giúp nông dân miền Trung trồng cao su tiểu điền khắc phục hậu quả sau cơn bão; dọn dẹp lô có cây bị gãy đổ; hỗ trợ chăm sóc phục hồi cây còn lại ... Hãy hỏi những người nông dân vừa khóc vì mất mát cao su sau cơn bão: "Có chăm sóc, phục hồi, trồng lại cao su không?" để nghe họ trả lời. Người Quảng Trị có câu: "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"! Hãy chờ niềm tin phục hồi vào mùa sang năm..."
Nhà văn Chu Lai trong tiểu thuyết "Gió xanh" có viết: "Cao su, tiếng nguyên thủy theo cách gọi của người da đỏ là cao-u-su, tức là "cây nước mắt". Nước mắt của cây là những giọt nhựa chảy hết năm này sang năm khác. Nhưng để cây có thể "khóc" được, con người phải hết sức hiểu biết về tâm hồn, thể chất của nó. Con người phải biết vỗ về, an ủi, biết chăm sóc dịu dàng và tỉ mẫn theo đúng cách nhân tình, tri kỷ, tri âm...". Sau thiên tai, những vườn cao su gãy đổ đang được người trồng cao su Quảng Trị chăm sóc tận tình; những diện tích đất đai rộng lớn vùng gò đồi cũng đang được vỡ ra, tiếp tục chờ đón một vụ trồng cao su mới với một cách làm mới, tâm thế mới. Từ đây, để đối phó với diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, người trồng cao su sẽ phải tuân thủ triệt để quy hoạch, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn, hiệu quả, để cây cao su lại tiếp tục nảy lộc, đâm chồi, cho dòng nhựa trắng, chung thủy đồng hành với người nông dân Quảng Trị trên con đường đi tới tương lai.