Hotline: 0908961396

Cây cao su đại điền chiến lược xoá đói giảm nghèo bền vững của tỉnh Lai Châu.

24/11/2011
Cây cao su đại điền chiến lược xoá đói giảm nghèo bền vững của tỉnh Lai Châu.
Đến nay cây cao su đã được phát triển trên địa bàn 3 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè. Cây cao su đã từng bước thay thế dần diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả của nhân dân.
Tính cuối năm 2010, toàn tỉnh đã trồng mới được 6.432,2 ha, trong đó có 5.797,5 ha đại điền và 634,7 ha tiểu điền, vận động được 5.033 hộ dân ở 12 xã của 3 huyện góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất tham gia trồng cây cao su. Thông qua hình thức góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để trồng cao su gần 1.700 nông dân của tỉnh đã có cổ phần và bản thân họ trở thành công nhân trong Công ty cổ phần cao su Lai Châu với mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Có thể khẳng định đây là mô hình mới, không những giúp người dân ổn định việc làm, thu nhập, mà còn gắn trách nhiệm của họ với cương vị là người chủ thật sự, cùng với Công ty chăm lo phát triển của cây cao su. Khi những người nông dân trở thành công nhân của Công ty, họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của Luật Lao động, có lương và được đóng các loại bảo hiểm xã hội, y tế, được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Ngoài ra, công nhân còn được thưởng năng suất, chất lượng hằng tháng, quý và cả năm dựa trên đánh giá chất lượng công việc thực hiện.

    

Cây cao su được tỉnh tính toán là loại cây đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa thực hiện nhiệm vụ của những cánh rừng phòng hộ, phòng chống thiên tai, bảo vệ đất, chống xói mòn. Định hướng và quy mô phát triển cây cao su ở tỉnh ta đến năm 2020 hình thành 5 vùng gắn liền với 07 nhà máy chế biến. Phát triển cây cao su trên địa bàn được thực hiện theo hình thức Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam trực tiếp đầu tư, kinh doanh và tiếp nhận lao động trong các gia đình góp giá trị quyền sử dụng đất vào làm cán bộ, công nhân. Đồng thời, vận động các hộ gia đình, cá nhân chuyển những diện tích đất đang trồng những loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cao su, tỉnh hỗ trợ ngân sách cho các hộ gia đình chuyển đổi cây trồng, đào tạo tay nghề cho người lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chủ trương của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và Công ty cổ phần cao su Lai Châu là hình thành lực lượng lao động của các gia đình góp đất trồng cây cao su; từng bước thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật từ lực lượng công nhân tại chỗ. 

   

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của tỉnh kết hợp khuyến khích phát triển cây cao su và xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay đã có nhiều nhà đội và nhà ở của công nhân đã và đang được xây dựng khá hoàn chỉnh theo mô hình mỗi đội có nhà làm việc, nhà văn hóa, lớp học mầm non, căng tin, sân thể thao, mở được hơn 300km đường giao thông nội vùng, thành lập 1 vườn ươm cố định, 8 vườn ươm tạm thời. Với kỹ thuật canh tác mới kết hợp đường đồng mức với trồng xen các loại cây ngắn ngày, Công ty đã phối hợp với chính quyền các huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 100% giống, phân bón cho các hộ gia đình có diện tích đất trồng xen. Bởi vậy đến nay, hàu hết các xã trồng cao su đã cơ bản không còn hiện tượng nuôi gia súc dưới gầm sàn và thả rông gia súc. Các xã, bản đều xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ cây cao su, mọi vi phạm đều được xử lý, góp phần giữ vững an ninh trật tự; tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; khơi dậy tình làng nghĩa xóm và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

   Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện chủ trương phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng. Lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội trong vùng quy hoạch đã nói lên vị trí, vai trò của cây cao su trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Việc tỉnh ta trực tiếp đề nghị Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư, kinh doanh cây cao su, cùng với các chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây cao su và hình thành đội ngũ công nhân là những người nông dân địa phương là những chủ trương đúng đắn hợp lòng dân. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh ta tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia góp đất trồng cao su, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có 25.000 ha cây cao su.

   

Đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình trồng cây cao su đại điền tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Lai Châu. 3 năm qua cây cao su đã góp phần giúp tỉnh thực hiện điều chỉnh cơ cấu cây trồng, bố trí lại cơ cấu lao động, tạo lập được các vùng sản xuất hàng hóa và thay đổi cơ bản tập quán canh tác, trình độ sản xuất của nông dân trong vùng quy hoạch, từng bước xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ, đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. 

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com