Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đầu tư phát triển mạnh cây cao-su tại các huyện miền núi. Thực tế cho thấy, loại cây này không chỉ trụ vững, cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần thiết thực để xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Cơ sở chế biến của Nhà máy chế biến cao-su Hiệp Đức.
Tuy nhiên, việc phát triển cây cao-su đã làm cho một số diện tích rừng bị thiệt hại, đòi hỏi phải có quy hoạch và chiến lược phát triển một cách bền vững, nhằm vừa phát triển kinh tế, vừa giữ được rừng...
Chỗ đứng trên vùng đất mới
Trở lại Hiệp Đức vào những ngày cuối tháng 2, chúng tôi nhận thấy huyện miền núi này đang có nhiều đổi thay đáng kể. Tuyến đường 14E - nối từ quốc lộ 1A chạy ngang qua thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) lên thị trấn Tân An và các xã vùng tây của huyện Hiệp Đức đã được nâng cấp, rải thảm nhựa cho nên đi lại thuận lợi hơn nhiều. Ngày mới thành lập huyện (năm 1986), tuyến đường huyết mạch từ Hà Lam lên Hiệp Đức chủ yếu là đường đất, rải đá. Mỗi lần lên công tác, khi bước xuống xe đò, thấy đau ê ẩm toàn thân. Tiếng là thị trấn, nhưng nhà cửa lúc bấy giờ thưa thớt. Các cơ quan của huyện làm việc trong những dãy nhà lợp tôn, tường đóng bằng gỗ. Mùa đông còn dễ chịu, mùa hè lên đây trời nắng như đổ lửa...
Vậy mà, bây giờ, vùng đất này đang thay da, đổi thịt từng ngày. Thị trấn Tân An trở nên nhộn nhịp. Các công sở được xây dựng khang trang; nhà cửa mọc lên san sát hai bên đường, tạo diện mạo mới cho vùng núi Quảng Nam. Điều thú vị nhất của chúng tôi trong chuyến đi lần này là được các đồng chí ở Tổng công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Nam dẫn tới thăm những cánh rừng cao-su bạt ngàn của Nông trường Cao-su Hiệp Đức. Rồi dọc theo con đường nhựa mới lên các Nông trường Cao-su: Phước Đức, Trà Nô... ở đâu cũng thấy cao-su bạt ngàn tươi tốt.
Dẫn chúng tôi thăm cánh rừng cao-su ở xã Sông Trà, Phó Giám đốc Nông trường Cao-su Hiệp Đức Lê Ngọc Quy giới thiệu, đây là diện tích thử nghiệm đầu tiên ở Quảng Nam được trồng năm 1998. Đồng chí Quy tâm sự, khi mới trồng, các đồng chí lãnh đạo công ty và chính quyền địa phương ai cũng lo, sợ đất trồng không thích hợp, sợ cây cao-su không có mủ... Mãi đến năm 2005, khi những giọt mủ đầu tiên được tuôn ra từ hàng nghìn cây cao-su trồng thử nghiệm này thì mới thở phào nhẹ nhõm. Phong trào trồng cao-su bắt đầu rộ lên khắp cả huyện Hiệp Đức và một số địa phương chung quanh từ buổi ấy.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Nam Nguyễn Duy Phúc, người gắn bó với cây cao-su từ những ngày đầu, chia sẻ: Cao-su là loại cây mới, cho nên khi đưa vào trồng tại huyện Hiệp Đức, đơn vị chúng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, qua học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi và nhờ sự hỗ trợ tích cực của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su (CNCS) Việt Nam, cho nên chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư để trồng loại cây này. Lúc đầu, do thiếu vốn và chưa cho kết quả cụ thể, cho nên diện tích trồng mới cao-su hằng năm tăng không đáng kể. Bắt đầu từ năm 2005, khi 10 ha trồng thử nghiệm mang lại kết quả thiết thực, đơn vị mạnh dạn mở rộng diện tích cây cao-su. Đến nay, tổng công ty đã trồng hơn 4.330 ha, tập trung ở các huyện: Hiệp Đức, Núi Thành, Nông Sơn, Phước Sơn... trong đó, có hơn 1.430 ha đã tiến hành cạo mủ. Năm 2011, tổng công ty khai thác gần 1.600 tấn mủ, đạt 110% so với kế hoạch được giao. Theo đó, tổng doanh thu đạt hơn 122 tỷ đồng, bằng 107% mức kế hoạch giao (tăng 54,7% so với năm 2010); lợi nhuận thu về 36,2 tỷ đồng, tăng 97,7% so với năm trước.
Cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi
Khi nói về vai trò của cây cao-su trên vùng đất Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lê Muộn khẳng định: Trong lúc các loại cây công nghiệp như quế, tiêu... bị giảm sút mạnh về diện tích, ngành nông nghiệp đang lúng túng trong việc lựa chọn, xác định bộ giống cây mới cho các huyện ở miền núi phía tây thì "phát hiện" thấy cây cao-su có nhiều triển vọng cho vùng đất này. Qua gần 15 năm trồng thử nghiệm và nhân rộng, đến nay, cây cao-su không chỉ phát triển mạnh ở huyện Hiệp Đức, Núi Thành mà còn có xu hướng tăng nhanh ở các huyện: Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My... Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh đã trồng gần tám nghìn ha; trong đó, diện tích đại điền do các doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam trồng khoảng bảy nghìn ha.
Ông Nguyễn Duy Phúc còn cho biết, nhờ diện tích, sản lượng khai thác mủ ngày càng tăng, giá cao-su thế giới những năm qua tăng khá, cho nên tổng công ty không chỉ tạo việc làm ổn định cho hơn 1.530 lao động, mà thu nhập của công nhân và các hộ nhận khoán đã được cải thiện đáng kể. Năm 2011, lương bình quân của toàn đơn vị (kể cả hộ nhận khoán) đạt bình quân gần 4,2 triệu đồng/người/tháng (tăng 38% so với năm 2010). Nhiều công nhân khai thác mủ có mức lương bình quân hằng tháng lên đến hơn 10 triệu đồng người/tháng. Nói về hiệu quả cây cao-su, ông Hồ Văn Minh, Trưởng thôn 5, xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức) phấn khởi khoe: Từ ngày nhận chăm sóc cây cao-su cho Nông trường Hiệp Đức, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn không còn cảnh "đứt bữa" mà ngày càng được cải thiện. Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà ở, sắm được xe máy...
Còn Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Đào Bội Thuyên thì cho rằng, đến nay, người dân ở các địa phương trong huyện thấy được lợi ích thiết thực từ cây cao-su. Trước đây, người dân sống chủ yếu dựa vào cây mía, cây sắn... rồi đến cây keo lá tràm. Nhưng từ khi cây cao-su được đưa vào trồng không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho khoảng 1.230 lao động và hộ nhận khoán mà còn kích thích người dân ở địa phương đầu tư phát triển cây cao-su tiểu điền. Hiện tại, ngoài hơn 2.550 ha cây cao-su đại điền, các địa phương ở huyện Hiệp Đức đã trồng 1.126 ha cao-su tiểu điền; trong đó, có nhiều diện tích đã bắt đầu cạo mủ và đem lại thu nhập cao cho người dân. Ông Thuyên ước tính, một ha trồng keo sau sáu đến bảy năm thu được số tiền khoảng hơn 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm bình quân thu được năm triệu đồng. Trong khi đó, với diện tích ấy, nếu đem trồng cây cao-su, sau bảy năm đưa vào khai thác mủ, lợi nhuận hằng năm tăng gấp bốn đến năm lần so với trồng cây keo. Điều đáng mừng là từ khi đưa cây cao-su vào trồng và đem lại thu nhập cao, đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt; tình trạng thiếu đói đã được khắc phục. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống và số hộ giàu tăng nhanh. Mặt khác, thái độ và phương thức lao động của người dân tộc thiểu số cũng đã thay đổi hẳn. Tình trạng la cà, uống rượu giảm rõ rệt...
Những vấn đề đặt ra
Trong câu chuyện với chúng tôi về cây cao-su, ông Nguyễn Duy Phúc bộc bạch: Mặc dù cây cao-su đã thích nghi và tìm được chỗ đứng trên vùng đất ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên do chưa có quy hoạch tổng thể, cho nên các nông trường còn lúng túng trong việc mở rộng diện tích. Tại huyện Hiệp Đức, qua khảo sát còn đến 15 nghìn ha đất có thể phát triển cây cao-su, nhưng đất đã giao quyền sử dụng cho người dân. Vấn đề đặt ra ở đây là giải quyết lợi ích về đất như thế nào đối với người dân trước khi chuyển diện tích đất này sang cho các doanh nghiệp phát triển cây cao-su?... Chủ tịch UBND huyện Đào Bội Thuyên phân trần: Điều vướng mắc hiện nay là doanh nghiệp có tiềm lực, nhưng đang thiếu đất; trong khi người dân có đất lại thiếu vốn, thiếu giống... Và để tháo gỡ bớt những khó khăn này, tạo điều kiện cho người dân phát triển cây cao-su tiểu điền, đầu năm 2010, huyện Hiệp Đức đã ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ trồng cây cao-su tiểu điền, giai đoạn 2010-2015. Theo đó, ngoài cơ chế hỗ trợ lãi suất theo quy định của tỉnh, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ ba triệu đồng/ha (mỗi hộ không quá ba ha). Nghĩa là khi trồng cây cao-su tiểu điền, mỗi hộ chỉ được hỗ trợ không quá chín triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Sông Trà Lê Dần cho biết, dù đã có cơ chế hỗ trợ "thoáng hơn" các địa phương khác trong tỉnh, nhưng do đời sống người dân còn khó khăn, nhu cầu đầu tư cho việc trồng cây cao-su ban đầu rất lớn. Tính riêng tiền giống một ha trồng cây cao-su đã "ngốn hết" khoảng 15 triệu đồng, chưa kể tiền công, phân bón. Đến nay, bà con trong xã đã trồng được gần 250 ha, nhiều diện tích trồng từ năm 2005 đến nay đang đưa vào khai thác mủ. Dự tính trong năm 2012, toàn xã sẽ trồng thêm 145 ha cây cao-su. Tuy nhiên, khó khăn nhất của địa phương là khâu chọn giống. Trước đây, do nhiều giống cây cao-su không thích hợp điều kiện khí hậu, thời tiết, cho nên có nhiều diện tích bị sâu bệnh phải phá đi trồng lại nhiều lần. Ông Dần đề nghị, ngoài việc tăng mức hỗ trợ, các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện và Tập đoàn CNCS Việt Nam cần có kế hoạch tư vấn giúp người dân trong khâu chọn giống, cách chăm bón, khai thác nhằm tạo ra hiệu quả cao trong việc liên kết phát triển cây cao-su.
Không riêng gì Hiệp Đức, thời gian qua, khi phát triển cây cao-su tiểu điền, nhiều địa phương gặp khó khăn về vốn, cây giống. Còn các nông trường lại gặp khó khăn về đất khi mở rộng diện tích. Theo số liệu từ các địa phương, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đưa diện tích cây cao-su tại các huyện trung du, miền núi lên 30 nghìn ha. Theo kế hoạch này, năm 2012, Tổng công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Cao-su Nam Giang (Tập đoàn CNCS Việt Nam) sẽ phát triển thêm hai nghìn ha cao-su đại điền. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Nam Giang Dương Minh Bảy cho biết, trong khi chưa tìm ra quỹ đất, đơn vị phải chuyển hướng sang trồng cao-su tại huyện Bắc Trà My. Năm 2011, công ty trồng được 170 ha và năm nay đang tập trung trồng thêm một nghìn ha nữa tại các xã: Trà Giác, Trà Ka...
Nhu cầu phát triển cây cao-su ở Quảng Nam ngày càng tăng và hiệu quả do loại cây này mang lại đã rõ. Tuy nhiên, trồng cây cao-su ở đâu, với diện tích bao nhiêu là điều cần suy nghĩ, tính toán. Muốn vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần rà soát, quy hoạch lại phát triển rừng; trên cơ sở đó sớm lập quy hoạch tổng thể phát triển cây cao-su trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng lợi dụng trồng cây cao-su để phá rừng và phát "nhầm rừng" như đã từng xảy ra trước đây ở các huyện: Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang... Mặt khác, tỉnh cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người dân khi trồng cây cao-su tiểu điền; gắn việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới với đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng trồng cây cao-su; tạo mối quan hệ bền chặt giữa phát triển cây cao-su tiểu điền và đại điền. Nhất là các doanh nghiệp và người dân cần gắn việc phát triển cây cao-su, với công tác giữ rừng và bảo vệ môi trường... Có như vậy, việc phát triển cây cao-su mới mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.