Hotline: 0908961396

Cổ phiếu cao su được tin cậy

17/02/2011
Cổ phiếu cao su được tin cậy
Hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2010 của các doanh nghiệp ngành cao su rất tốt đã tạo sự lạc quan, tin tưởng cho các nhà đầu tư (NĐT) vào cổ phiếu (CP) của các doanh nghiệp này.

Doanh thu, lợi nhuận đều tăng cao

Theo VRG, giá bán mủ bình quân toàn VRG năm 2010 nhiều khả năng đạt bình quân trên 60 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá bán mủ tăng giúp doanh nghiệp cao su lãi lớn. Đến hết tháng 11, gần như các CTCS đã hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm.

 Cụ thể, Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết lợi nhuận tháng 11 ước đạt 58 tỷ đồng, lũy kế lên 528 tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch năm. Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) trong tháng 11 thực hiện được 45 tỷ đồng lợi nhuận, nâng lũy kế 11 tháng lên 237.5 tỷ đồng, vượt kế hoạch 2%. Kết thúc tháng 11, Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR) thực hiện được 38 tỷ đồng lợi nhuận, nâng lũy kế 11 tháng lên 306,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm. Công ty CP Cao su Hòa Bình tuy năm nay gặp khó khăn về thực hiện sản lượng, nhưng lại vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận.

Dự kiến năm 2010, 3 công ty PHR và TRC, DPR sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 30%, còn HRC là 25%).

Tác động tích cực đến giá CP

Kết quả kinh doanh tốt đã tác động tích cực đến CP của các doanh nghiệp cao su đang niêm yết trên sàn.

Thống kê giao dịch cổ phiếu tháng 11 cho thấy, bất chấp thị trường trồi sụt, hầu hết các CP ngành cao su thiên nhiên đều đi lên. Có CP đã tăng đến 22% trong tháng 11. TNC có mức tăng mạnh nhất lên đến 22%, kế đến là DRC với mức tăng trưởng 16%, TRC và DPR cùng tăng 5%, PHR cũng tăng thêm 1.8%...

Từ đầu năm đến nay, ít nhất có 4 công ty chứng khoán, gồm Đại Việt, MHB, Tân Việt, Sài Gòn - Hà Nội, đánh giá cao triển vọng của ngành cao su tự nhiên trong năm 2010 nhờ sự phục hồi kinh tế.

Theo các công ty chứng khoán, cao su là một ngành khá đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành luôn duy trì được dòng tiền và cổ tức cao, tỷ lệ vay nợ thấp nên hấp dẫn các nhà đầu tư coi trọng các tiêu chí này.

Theo các chuyên gia chứng khoán, CP cao su rất có tiềm năng nhưng cũng rất nhạy cảm trước rủi ro thị trường lẫn các tác động khách quan khác. Vì vậy, CP cao su thường chỉ được xem là lựa chọn đầu tư ngắn hạn.

Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ VietFund, cho rằng do mỗi doanh nghiệp có những đặc thù hoạt động và lợi thế riêng, nên cần phân tích kỹ khi đánh giá. Chẳng hạn, ngoài giá mủ cao thì nhà đầu tư cũng quan tâm đến những đơn vị có nguồn thu khác, như nguồn thu từ thanh lý gỗ cao su.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, nhóm CP cao su cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường. Ví như từ quý III/2010 trở đi, khi vào mùa vụ khai thác, lượng cung cao su được dự báo sẽ dồi dào hơn. Khi đó, giá cao su có thể sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra ngược lại, khi giá cao su lien tục tăng vào thời điểm cuối năm, luôn duy trì ở mức trên 80 triệu đồng kể từ đầu tháng 11 đến nay.

Ông Phạm Phi Điểu, đại diện công bố thông tin DPR chia sẻ, giá càng cao càng dễ bán, một hiện tượng khá hiếm hoi đối với doanh nghiệp khác ngoài ngành cao su. Nguyên nhân đến từ sự kỳ vọng giá tiếp tục lên cao, do đó các thương nhân sẵn sàng mua giá cao để hưởng sự chênh lệch trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm như hiện nay.

Tương tự, theo ông Nguyễn Thái Bình, người đại diện công bố thông tin của TRC, mặc dù không được mùa do thời tiết bất lợi, mưa nhiều, khí hậu trong nước biến đổi, thiên tai ở các nước sản xuất cao su đã hạn chế nguồn cung nhưng ngành cao su được hưởng lợi từ giá bán lên cao. Dù giá bán cao nhưng việc bán hàng lại diễn ra khá suôn sẻ. Tất cả các loại mủ từ trung hạn đến cấp thấp đều được khách hàng mua vào. Thậm chí có những trường hợp khách hàng còn sẵn sàng ứng tiền trước để chờ hàng.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Tân Việt, điểm chung của các doanh nghiệp nhóm ngành cao su là khả năng sinh lời vẫn được đảm bảo và ở mức cao so nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh chính diễn ra thuận lợi. Thứ hai là các doanh nghiệp cao su đều có tình hình tài chính lành mạnh: vay nợ thận trọng và hợp lý nên khả năng thanh toán tốt; năng lực hoạt động tốt và được cải thiện liên tục; khả năng sinh lời tốt. Các doanh nghiệp này có thể đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng được đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng trung hạn nhờ chiến lược đầu tư theo hướng cùng lúc mở rộng quy mô diện tích và phát triển công nghệ theo theo chiều sâu để phát triển bền vững.


 

Hoàng Minh
www.hoangminhco.com Theo VRG