Tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển cao su ở miền núi phía Bắc do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 12/6/2012 tại tỉnh Sơn La, phát triển cây cao su được xem là chương trình phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Với sự đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đến tháng 1/2012, các tỉnh miền núi phía Bắc đã trồng hơn 19.000 ha cây
cao su. Trong đó, Sơn La 6.285 ha, Điện Biên 3.578 ha, Lai Châu 7.853 ha, còn lại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ trồng thí điểm 1.500 ha.
Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tỷ lệ cây sống hằng năm đạt từ 68% đến 98%. Cùng với sự đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu làm thay đổi phương thức sản xuất, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, lao động, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới trong vùng quy hoạch trồng cao su.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện chương trình phát triển cây cao su những năm qua để đưa ra các giải pháp cho những năm tiếp theo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định đây là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ đó, hội nghị đã đi sâu vào đánh giá hiệu quả, những khó khăn vướng mắc và bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, Tập trung vào các chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng cao su; phương thức hợp tác, phân chia lợi nhuận khi có sản phẩm. Đặc biệt là cơ chế người dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, trở thành cổ đông của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La. Các đại biểu cũng cho rằng chất lượng cây giống là vấn đề rất quan trọng, do đó cần thiết phải có một trung tâm nghiên cứu cao su cho khu vực miền núi phía Bắc để đáp ứng yêu cầu về giống, kỹ thuật canh tác mang tính chiến lược. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn của miền núi, cũng như việc tổ chức lồng ghép một số chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình phát triển cây cao su...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Phú - Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, khẳng định chương trình phát triển cao su ở miền núi phía Bắc sẽ thành công. Trước mắt, đến năm 2015 ở vùng Tây Bắc phát triển cao su đại điền làm chủ đạo; vùng Đông Bắc thống nhất quy mô trồng thí điểm, nhưng phải bảo toàn, phát triển vốn. Đồng thời, đề nghị Cục Trồng trọt quan tâm chỉ đạo thực hiện việc nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cao su chịu lạnh để chủ động nguồn giống phục vụ tại chỗ, triển khai những biện pháp kỹ thuật tiên tiến phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và trình độ canh tác của người dân. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các tỉnh trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.