Hotline: 0908961396

Đoàn doanh nghiệp Hiệp hội Cao su VN làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội cao su Malaysia, Indonesia, Thái Lan

10/06/2013
Đoàn doanh nghiệp Hiệp hội Cao su VN làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội cao su Malaysia, Indonesia, Thái Lan
Từ ngày 07-11/5/2013, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức đoàn doanh nghiệp làm việc với một số cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hỗ trợ ngành cao su tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan kết hợp tham dự Họp mặt giao thương hàng năm do Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Từ ngày 07-11/5/2013, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức đoàn doanh nghiệp làm việc với một số cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hỗ trợ ngành cao su tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan kết hợp tham dự Họp mặt giao thương hàng năm do Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Đoàn gồm Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Thư ký, đại diện lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, Công ty CP Cao su Phước Hoà, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và cán bộ Văn phòng Hiệp hội. Ngày 07/5/2013, Đoàn do ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN dẫn đầu, đã có buổi làm việc chính thức với Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) và Liên đoàn các Hiệp hội Thương mại Cao su Malaysia (FRTAM) tại Sungai Buloh, Malaysia. Nội dung chính của buổi làm việc là tìm hiểu và trao đổi về hoạt động, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Cao su Malaysia trong việc quản lý ngành cao su Malaysia, đặc biệt là quản lý chất lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu với sự hỗ trợ của Phòng Kiểm nghiệm và Định chuẩn sản phẩm trực thuộc Tổng cục. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Mohd Akbar, Phó Tổng cục Trưởng, cung cấp thêm những thông tin tổng quan về ngành, từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghiệp, và chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 với nhận định cao su là ngành kinh tế trọng điểm quốc gia, hướng đến mục tiêu đóng góp 98 tỷ RM (tương đương 30 tỷ USD) vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia. Có mặt tại buổi làm việc, bà Gong Suk Kin, Giám đốc điều hành Liên đoàn các Hiệp hội Thương mại Cao su Malaysia, đã trình bày về hoạt động của Liên đoàn và các nội dung mở rộng hợp tác về trao đổi thông tin thị trường giữa Hiệp hội hai nước. Ngoài ra, Giám đốc tiếp thị Công ty Felda Rubber Industries Sdn Bhd, bà Sarimah Bt. Nasir cũng bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác thương mại đối với các công ty sản xuất cao su tại Việt Nam sau buổi gặp gỡ này. Vào ngày 08/5/2013, Đoàn tiếp tục có buổi làm việc với Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO) tại Jakarta, Indonesia. Tiến sĩ Rusdan Dalimunthe, Giám đốc điều hành, đã có bài trình bày chi tiết về ngành cao su Indonesia, cơ cấu tổ chức và hoạt động của GAPKINDO, các nội dung mở rộng hợp tác về trao đổi thông tin thị trường, các giải pháp quản lý chất lượng, quản lý xuất khẩu ngành hàng. Theo đó, Hiệp hội có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các hội viên sản xuất cao su theo đúng tiêu chuẩn quy định thông qua các hoạt động như yêu cầu các hội viên cam kết chỉ mua cao su tiểu điền chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, khuyến khích hội viên ký kết hợp đồng mua mủ cao su tiểu điền ổn định lâu dài... Với chủ trương tiếp tục duy trì mô hình cao su tiểu điền thân thiện với môi trường, ít sử dụng hóa chất và phân bón, Tiến sĩ Rusdan Dalimunthe đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác trao đổi giống cao sản giữa các viện nghiên cứu cao su các nước nhằm giúp nông dân Indonesia tăng năng suất. Hướng phát triển ngành cao su Indonesia trong tương lai là tập trung kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su nhằm gia tăng tiêu thụ nội địa lên mức 50% và thực hiện các chương trình hỗ trợ tái canh, mở rộng diện tích trồng mới nhằm gia tăng sản lượng. Kết luận tại buổi làm việc, Tiến sĩ Rusdan Dalimunthe mong muốn các quốc gia trồng cao su Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và hướng đến sự phát triển bền vững. Ngày 09/5/2013, Đoàn tham quan Chợ cao su trung tâm tại Hatyai và có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cao su Thái Lan để tìm hiểu các giải pháp quản lý chất lượng cao su. Tiến sĩ Picheat Prommoon, Trưởng nhóm Quản lý Nghiên cứu, đã giới thiệu tổng quan ngành cao su Thái Lan và cơ chế hoạt động của Chợ cao su trung tâm tại Hatyai. Viện là cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra và quản lý chất lượng cao su thiên nhiên. Chợ do Viện điều hành và tổ chức đấu giá hàng ngày nhằm quản lý, điều phối hoạt động mua bán cao su tờ tiểu điền và hỗ trợ các nhà sản xuất, xuất khẩu có mức giá tốt nhất và công khai. Trong cùng ngày, Đoàn đã được hướng dẫn tham quan nhà máy sản xuất mủ tờ xông khói (RSS) của Tập đoàn Sri Trang, doanh nghiệp cao su lớn thứ 2 của Thái Lan, và vườn cây của một tiểu điền tại Hatyai. Ngày 10/5/2013, Tổng Thư ký Hiệp hội và cán bộ Văn phòng Hiệp hội đã tham dự Họp Đại hội đồng của Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC). Nội dung chính của cuộc họp là tổng kết báo cáo của các tiểu ban chuyên môn trực thuộc Hội đồng và các vấn đề phát sinh cần thảo luận giữa các thành viên ARBC. Vào buổi tối cùng ngày, Đoàn tham dự Họp mặt giao thương hàng năm của Hiệp hội Cao su Thái Lan tại khách sạn Centara Grand at CentralWorld, Bangkok. Đây là sự kiện được tổ chức định kỳ, là nơi gặp gỡ giao lưu của các doanh nghiệp ngành cao su nhằm củng cố mối quan hệ thương mại truyền thống và tìm cơ hội hợp tác mới. Sáng ngày 11/5/2013, Đoàn đã có buổi gặp gỡ với Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA) nhằm tìm hiểu về hoạt động, cơ cấu tổ chức và các nội dung mở rộng hợp tác giữa hai hiệp hội. Chủ tịch Hiệp hội TRA, Tiến sĩ Chaiyos Sincharoenkul, đón tiếp Đoàn và có bài chào mừng hoan nghênh chuyến viếng thăm và trao đổi thông tin của Đoàn Hiệp hội Cao su VN. Tiến sĩ Chaiyos cho biết, trong tình hình kinh tế còn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, biện pháp hạn chế xuất khẩu không còn thích hợp do giá cao su vẫn bị chi phối mạnh bởi các nhân tố bên ngoài. Giải pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên bằng cách "cao su hóa" đường giao thông đang được Chính phủ Thái Lan xem xét và dự kiến đưa vào áp dụng trong 5 năm tới. Tiến sĩ Chaiyos đề nghị Việt Nam cân nhắc việc áp dụng giải pháp này trong tương lai. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Pongsak Kerdvongbundit, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan, đặc biệt quan tâm và ủng hộ việc Việt Nam sẽ xem xét tham gia Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) nhằm tăng sức ảnh hưởng đến cơ chế giá cao su thiên nhiên, hướng đến việc xây dựng giá cao su thiên nhiên thống nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác trao đổi thông tin giữa các nước sản xuất cao su trong tương lai. Bên cạnh Việt Nam, Chính phủ Thái Lan còn mong muốn mời Campuchia, Lào, Myanmar và Philipin tham gia vào Hội đồng và sẽ đổi tên thành ITRC+5. Ngoài ra, Tiến sĩ Pongsak còn cho biết dự kiến sẽ có buổi làm việc giữa ITRC+5 và 10 doanh nghiệp sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới nhằm yêu cầu tăng tỷ lệ sử dụng cao su thiên nhiên trong sản xuất từ 40% lên 55%. Điều này cũng mang lại lợi ích từ việc "kinh doanh tín chỉ carbon" cho các doanh nghiệp sản xuất lốp xe cũng như góp phần cân bằng nguồn cung-cầu cao su thiên nhiên trên thế giới.
Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo nongnghiep.vn