Nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hướng tới sản xuất bền vững, Bộ NN& PTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung chủ đạo là phát triển mạnh công nghệ sau thu hoạch. Theo đó, đối với trồng trọt, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất khoảng 3%/năm và tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong toàn ngành khoảng 50% vào năm 2020. Áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, bảo quản, dự trữ, lưu thông cho các nhóm cây có lợi thế cạnh tranh như: lúa, cà phê, cao su, tiêu, điều.
Riêng cao su tiếp tục phát triển, đầu tư tăng thêm công suất chế biến là 500.000 tấn mủ khô/năm. Xây dựng các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, xe máy… đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30%. Để hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến trong nước, Bộ NN&PTNT cho rằng cần áp dụng thuế suất xuất khẩu cao đối với các loại nông, lâm thủy sản thô: dăm gỗ, cà phê, hạt tiêu, mủ cao su…
* Phát biểu tại hội nghị, ngành kế hoạch – đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư ngân sách 2013-2015, diễn ra vào ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nông nghiệp, nông dân vẫn khó khăn, nhất là thiếu vốn. Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dành thêm trên 20.000 tỉ đồng (lãi suất 0%) để đưa vào nông nghiệp và chế biến xuất khẩu.