Ngày 13/9, tại Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo về cây cao su rụng lá do nấm Corynespora gây ra trên cây cao su tại các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân trồng cao su tham gia thảo luận tìm biện pháp cấp bách ngăn chặn “căn bệnh” rụng lá cây cao su, không những gây chết mòn vườn cây cao su mà sản lượng mủ giảm bất thường, thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Theo báo cáo, hiện nay có khoảng 10 tỉnh (gồm các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên) có cao su bị nhiễm bệnh với diện tích khoảng 15.000 ha. Tại Bình Dương có 5.375,7 ha cao su bị nhiễm bệnh tại 4 huyện là Bến Cát, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên (trong đó diện tích phun thuốc lần 2 là 977 ha, lần 3 là 303 ha). Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng bệnh rụng lá cao su do nấm Corynespora gây ra là rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nề cho người trồng cao su.
Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị loại bệnh này và phương tiện dùng để phun xịt còn hạn chế nên bệnh đã tái phát trở lại với các diện tích đã phun xịt. Một số ý kiến thảo luận đã đề xuất các giải pháp nhằm ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh như: cần sử dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ bệnh, cải tạo các diện tích vườn cây RRIV 4…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhỉ, Viện nghiên cứu cao su Việt Nam: việc rụng lá cây cao su không thể coi thường được, phải tìm các biện pháp ngăn chặn căn bệnh này, tránh tiếp tục lây lan giữa các vườn cao su. Hiện nay, bệnh chưa được điều trị triệt để và nông dân còn lúng túng trong việc phun xịt hóa chất làm sao cho đúng. Theo khuyến cáo của tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhỉ, bà con cần chẩn đoán đúng bệnh mới có phương pháp điều trị tốt nhất, nếu chưa biết rõ bệnh thì nên đến Viện cao su Việt Nam để được tư vấn về phương pháp điều trị tốt nhất cho cây cao su.
Hội thảo đưa ra giải pháp là phải cấp bách tìm biện pháp hỗ trợ nông dân trồng cao su tiểu điền và cũng cần tính toán đến các chính sách hỗ trợ cho các diện tích cao su tiểu điền bị nhiễm bệnh. Tìm loại thuốc đặc hiệu phun xịt hiệu quả, không cho dịch bệnh lây lan rộng; song song với đó là cần phải có các công trình nghiên cứu sâu rộng và đồng bộ để phòng trừ loại bệnh này hiệu quả hơn – ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh./.