Hotline: 0908961396

Hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Gia Lai giàu lên từ các vườn cao su tiểu điền

19/06/2012
Hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở Gia Lai giàu lên từ các vườn cao su tiểu điền
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát triển được khoảng 15.000 ha cao su tiểu điền ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 1/2 diện tích đã cho khai thác mủ. Hộ ít cũng trồng được 1ha và hộ nhiều có đến 10ha cao su. Hàng ngàn hộ có diện tích cao su tiểu điền đang cho khai thác mủ đã mang lại nguồn lợi lớn, cuộc sống được cải thiện và giàu lên trông thấy, có những hộ thu nhập đến vài ba trăm triệu đồng mỗi năm.
Phong trào trồng cao su tiểu điền trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh bắt đầu từ khi thực hiện dự án đa dạng hoá nông nghiệp trong thời gian 5 năm (2001 - 2006). Thời gian này đã có 3.365 hộ thuộc địa bàn 7 huyện Chưprông, Đăk Đoa, Chư Sê, Mang Yang, Ia Grai, Chư Pảh và Đức Cơ tham gia. Diện tích cao su trong vùng dự án này đều phát triển tốt và bắt đầu cho khai thác mủ từ năm 2009 và rộ nhất vào năm 2011 với năng suất ổn định, đạt bình quân 1,5 tấn mủ khô/ha. Theo giá thị trường hiện nay, cứ 1ha cao su khai thác mủ trong 1 năm thì có mức lãi ròng khoảng 35 - 40 triệu đồng. Bà con trong vùng dự án đều rất phấn khởi, bởi quỹ đất này trước đây bỏ hoang hoá nhiều năm, nay thuộc sở hữu của mình và được sự hỗ trợ của dự án đầu tư từ khâu trồng đến khâu chăm sóc liên tục trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Ở làng Mráh thuộc xã K'Dang (huyện Đăk Đoa) có 44 hộ tham gia dự án "Đa dạng hoá nông nghiệp" và đã trồng được 88 ha cao su tiểu điền từ năm 2002 - một trong những làng được coi là điển hình của dự án. Đã qua 3 mùa vụ khai thác mủ, vụ nào bà con cũng có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Già làng Đinh Ao - người dân tộc J'rai năm nay đã 79 tuổi và có đến 49 năm tuổi Đảng cho biết: Làng Mráh trước đây khổ cực lắm, có đất mà vẫn như không bởi bà con chẳng biết cách làm ăn. Nay nghe theo lời Đảng trồng được cây cao su thì trong vòng vài ba năm trở lại đây đời sống của bà con khá hơn nhiều. Nhà nào cũng mua sắm được xe máy, ti vi, xe công nông phục vụ cho sản xuất...và con em được học hành đầy đủ. Từ "sức bật" của dự án, cây cao su tiểu điền đã loa toả mạnh trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con đã dần hình thành ý thức xoá bỏ tập tục canh tác lạc hậu để học cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm hàng hoá dồi dào và làm giàu. Ở những vùng còn quỹ đất hoang hoá đều được các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ bà con đưa vào trồng cao su, khắc phục tình trạng để đất trống. Mặc dù phần lớn diện tích cao su tiểu điền của bà con trồng sau này chưa đến thời kỳ cho khai thác mủ song bà con vẫn có niềm tin bởi vườn cây đang phát triển xanh tốt và hẹn ngày cho lấy mủ với năng suất cao. Ở làng Poong thuộc xã Ia Dưk (huyện Đức Cơ), anh Rơ Mal Brao, dân tộc J'rai là người đi đầu trong việc khai hoang vỡ hoá đất đồi dốc để đưa vào trồng cây cao su tiểu điền. Hiện nhà anh có 13 ha cao su, trong đó có 8ha cho khai thác mủ và mỗi năm có mức thu đến hơn 500 triệu đồng, đó là chưa kể đến nguồn thu 4 ha cà phê, gần 10 ha điều. Anh chia sẻ trong niềm vui và tự hào: Năm tới đây, nhà mình có thêm 5ha cao su đưa vào khai thác mủ thì mức thu hàng năm cũng tăng lên đến tiền tỷ. Ngoài việc làm giàu riêng cho mình, Rơ Mah Brao còn giúp đỡ bà con trong làng và làng khác cùng phát triển kinh tế. Cao su là loại cây trồng mới và khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hơn nữa mức đầu tư vốn lớn mà lại kéo dài đến 5 - 6 năm mới cho thu hoạch. Do vậy, để thúc đẩy phát triển trồng cây cao su tiểu điền trong các vùng đồng bào dân tộc cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động gắn với hỗ trợ từ đồng vốn cho đến hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc./.
Thành Hiệp
www.hoangminhco.com