Phế thải cao su đã được tái chế làm dầu đốt, sản xuất ống dẫn nước, đế giày... nhưng nay đã có thể dùng làm dải phân cách đường giao thông, gạch lót sàn. Hiện nay, 50m dải phân cách cao su đã được lắp đặt thử nghiệm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM), sơ bộ cho thấy với nhiều ưu điểm: bền, đẹp, đàn hồi tốt... Sản phẩm gạch lát nền cũng được lắp đặt tại Trường Tiểu học Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TPHCM) với tính năng chống trơn trượt, giảm thiểu đáng kể tai nạn cho các em nhỏ...
Rẻ và an toàn
Từ thực tế dải phân cách bằng bê tông, sàn gạch ở các khu vui chơi... thường gây tổn thương cao khi bị tai nạn nên nhiều vật liệu thay thế như nhựa, gỗ... đã được sử dụng. Tuy nhiên, giá thành của các vật liệu này khá cao khiến cho việc sử dụng nó còn hạn chế. Trước thực tế này, tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, Giám đốc Trung tâm Vật liệu xây dựng miền Nam, đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm dải phân cách, gạch lót sàn từ cao su phế thải với ưu điểm nhẹ, bền, đàn hồi tốt, dễ vận chuyển và lắp đặt, giá rẻ.
Kỹ thuật xử lý lốp cao su phế thải để chế tạo dải phân cách đường giao thông, gạch cao su, thay thế bê tông xi măng truyền thống của tiến sĩ Tâm rất đơn giản. Lốp (vỏ), xăm (ruột) xe cũ thu gom về được tách phần vải, sợi, các vòng thép (tanh thép) ra khỏi cao su. Đặc biệt, cao su được đưa vào các máy nghiền, xay nát thành các hạt vuông, tròn, tam giác... rất nhỏ để làm nguyên liệu.
Với sản phẩm dải phân cách, để tăng độ bền, tính đàn hồi, nguyên liệu cần thêm cả cao su thiên nhiên, với tỷ lệ 29%, cộng với than đen, keo PU... Nguyên liệu được đưa vào máy trộn, ép trong các khuôn ở nhiệt độ khoảng 140 độ C (độ cao, dài có thể điều chỉnh khuôn) tạo ra các đoạn dải phân cách (có chân bắt vít xuống mặt đường). Sản phẩm này có độ bền kéo bằng 92%, độ biến dạng bằng 75% so với cao su tự nhiên. Còn với gạch lát nền cao su, nguyên liệu hoàn toàn là cao su phế thải, màu công nghiệp và keo PU, được trộn đều, đưa vào máy ép (làm gạch viên kích thước nhỏ) hoặc lát trực tiếp xuống mặt sàn (tấm lớn) dễ dàng.
Tính ra, giá dải phân cách làm bằng cao su phế thải chỉ 622.320 đồng/m² tương đương giá 1m² dải phân cách bê tông, bằng 1/3 giá dải phân cách nhựa PVC và thép (1,7 triệu đồng/m²). Đặc biệt, giá thành sẽ giảm nữa nếu sản xuất dải phân cách bằng cao su tái chế với số lượng lớn. Gạch lót nền cũng chỉ có giá 149.348 đồng/m², rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (khoảng 10 USD/m²).
Hạn chế ô nhiễm môi trường
Hàng năm, toàn thế giới thải ra trên 6 triệu tấn vỏ bánh ô tô. Lượng cao su phế thải này có thể được nghiền nhỏ, phối trộn với cao su tự nhiên để sản xuất các sản phẩm cao su như ruột lốp xe, đế giày dép, làm vật liệu xây dựng, làm nhiên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện, lò đốt các nhà máy xi măng… Tuy nhiên, theo đánh giá của tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế TPHCM, cao su phế thải ứng dụng hiệu quả nhất khi được tái chế làm vật liệu xây dựng, vì tận dụng tối đa sản phẩm nên có giá trị lớn cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Khoa tính toán, TPHCM với gần 400.000 ô tô và số lượng đang tăng nhanh (mỗi năm trên 10.000 chiếc), trong khi đó nguồn cung nguyên liệu cho ngành sản xuất dải phân cách, gạch cao su là rất lớn. Phát triển sản xuất sản phẩm tái chế này sẽ góp phần giảm thiểu công sức thu gom, diện tích đất chôn lấp, chi phí nếu xử lý trong lò đốt... Đặc biệt, TPHCM có vài ngàn kilômét đường giao thông, hàng trăm trường mầm non, tiểu học, khu vui chơi trẻ em, công viên... nên nhu cầu dải phân cách, gạch lót nền cao su là rất lớn.
Có thể khẳng định rằng, sản xuất vật liệu xây dựng từ cao su phế thải có rất nhiều thuận lợi: nguyên liệu sẵn có; sử dụng chung máy móc thiết bị hiện có tại các đơn vị gia công cao su... sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Đặc biệt, sản phẩm tạo ra có thể ở mọi kích thước, từ gạch lát đường tới thảm cao su lớn cho sân chơi thể thao hoặc sân chơi công cộng mà chỉ cần điều chỉnh kích thước khuôn.
Chính vì các kết quả trên, đề tài “Nghiên cứu sử dụng cao su phế thải để sản xuất các loại vật liệu làm dải phân cách đường giao thông và vật liệu xây dựng” đã được Sở KH-CN TPHCM nghiệm thu thành công.
Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm cũng tiết lộ, hiện sản phẩm gạch lót sàn đã được một số doanh nghiệp Úc liên hệ đặt hàng, hứa hẹn một tương lai rộng mở cho việc “hồi sinh” cao su phế thải, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo việc làm và bảo vệ môi trường...