So với nhiều loại cây nông nghiệp, cây cao su mang lại hiệu quả khá cao, vì thế, vài năm trở lại đây, mọi người đã gọi những dòng mủ cao su là vàng trắng. Nhưng cũng như bao nhiêu câu chuyện khác về việc giàu lên mau chóng của người nông dân, đằng sau nó là rất nhiều những hệ lụy, những khoảng lặng vô chừng khiến những người trong cuộc không khỏi xót xa, cay đắng.
Đại gia giữa đại ngàn
Nằm nép dưới những tán cao su cao vót, ngôi nhà ba tầng của anh Phạm Văn Mới xã Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh) trông khang trang, bề thế giữa núi rừng biên giới nơi đây. Ngồi ngay dưới tán cây cao su, anh Mới tâm sự: "Ngôi nhà này hai vợ chồng tôi mới xây năm ngoái, hết 800 triệu vì ở đây xa nên tiền công, vật liệu cũng tốn hơn, phải chở từ dưới thị trấn Tân Biên lên. Thực ra, cách đây chừng chục năm, không bao giờ tôi dám mơ đến việc có được ngôi nhà to đẹp như thế này bởi chỉ cần nghĩ, sống ở đây làm ăn no cái bụng là tốt lắm rồi”. Hỏi chuyện vì sao chỉ có mấy năm mà vợ chồng anh đã phất lên như thế, anh Mới như được khơi trúng tâm can, cho biết luôn: "Cũng có gì đâu mà giấu các anh, tất cả đều nhờ mấy cây cao su này cả. Nhìn vậy nhưng nó là vàng đấy, vàng thật chứ chẳng phải nói chơi đâu. Này nhé, nhà tôi chỉ có chừng 8 công cao su thôi nhưng mỗi tháng cũng thu về gần 2 chục triệu đồng tiền mủ. So với Sài Gòn các anh thì chưa bõ bèn gì nhưng ở miền núi thế này, tiền làm được bao nhiêu là có bấy nhiêu, ít phải chi tiêu tốn kém”. Như sợ tôi và anh bạn đồng nghiệp không tin rằng ở nơi heo hút của vùng biên giới phía Tây Nam tổ quốc này mà mỗi tháng có thể đút túi cả mấy chục triệu đồng, anh Mới tính luôn: "Này nhé, nhà tôi có 8 công (0,8 ha) cao su, 2 ngày cạo một lần được khoảng 75 lít mủ. Trừ chi phí các khoản, mỗi ngày cũng thu về chừng 900 ngàn đồng”. Những thu nhập khổng lồ từ dòng vàng trắng đã biến rất nhiều người nông dân, kể cả công nhân giữa núi rừng thành đại gia chỉ trong vòng một vài vụ cao su.
Nếu là gia đình anh Mới chỉ có khiêm tốn 0,8 ha cao su thì nhà Bằng, anh vợ của anh Mới, quê Nghệ An vào đây lập nghiệp có chừng hơn 2 ha cao su thì mỗi ngày bỏ két chừng 2 đến 3 triệu đồng chẳng có gì khó. Thú thực, khi ngồi cùng những người dân trồng cao su tiểu điền ở đây, thấy họ tính toán tiền trăm, tiền triệu thu nhập theo ngày mà thấy phát hoảng.
Đó là chuyện của các hộ nông dân trồng cao su tiểu điền, còn với những nông trường cao su lớn lên đến hàng ngàn ha thì sao? Ở đây, chúng tôi không tìm hiểu lời lãi của họ mà chỉ tìm hiểu về đời sống của những người công nhân trực tiếp lao động ở những nông trường này, cũng chính là một mặt của những nông trường cao su như thế. Theo như đã hẹn trước, chúng tôi tìm đến gia đình anh Chung, chị My, những người đồng hương Hà Tây với tôi nhưng phải lưu lạc vào đây theo diện kinh tế mới hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi trời đã nhá nhem tối.
Ngồi xuống bộ ghế sa-lon Vạn Thành êm ái sau khi đã đi cả hơn trăm cây số đường rừng, anh Chung hồ hởi sau nhiều năm xa cách: "Mấy năm trước các chú lên đây có khi chẳng dám mời vào nhà. Được như giờ cũng là nhờ cây cao su cả đấy. Nói đúng là, mủ còn hơn cả vàng với người dân nơi đây ấy chứ. Như hai vợ chồng tôi đây này, lúc ở quê khó khăn quá nên dắt díu nhau vào vùng đất biên giới này. Mà hồi ấy (trước những năm 1990) cũng cực lắm vì quanh đây chỉ có đất hoang với đồi núi. Nhưng mấy năm sau, nhờ bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ xuống, nông trường cao su này mới được mọc lên. Nhưng thật sự đổi đời thì cũng chỉ có chừng 3, 4 năm lại đây thôi”.
Thực chất, vợ chồng ông anh, bà chị đồng hương với tôi vẫn chỉ là công nhân chứ đâu có đổi đời, đổi gió gì. Nhưng công nhân cạo mủ bây giờ cũng khác. Nhìn vào mức lương anh Chung khi chưa có phụ cấp, thưởng đã là 7,5 triệu mà tôi sững sờ. Bèo bọt như chị My cũng đã 5 triệu rồi. Ngồi bên mâm nhậu ê hề thịt thú rừng đặc sản, anh Chung được thể nói luôn, có lẽ, ở Việt Nam hiện nay công nhân mà có tiền mua xe hơi thì chỉ duy nhất có công nhân cạo mủ cao su. Mà không phải tôi nói chơi với các chú đâu nhé, nhiều "gia đình công nhân” ở đây mỗi tháng thu cả 3, 4 chục triệu đồng, họ mua xe hơi đầy ra cả nông trường ấy chứ. Ngay như ủy ban thị trấn cũng thường xuyên tổ chức những đợt dạy lái xe hơi cho công nhân.
Ôi, những người công nhân còn như thế huống hồ cán bộ, lãnh đạo và những vị có chức sắc hay vốn cổ phần của những nông trường cao su này thì tiền của để đâu cho hết. Ở một góc nhìn nào đấy, cây cao su đúng là đã đổi đời thực sự cho người dân đầu tắt mặt tối nơi đây. Vậy nhưng…
Anh Hào thất thần kể chuyện
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Vậy nhưng, đừng nghĩ cao su mang lại tất cả tiếng cười và ấm no những người dân miền Đông Nam bộ. Cũng là một xã sát biên giới, Thành Long (huyện Châu Thành, Tây Ninh) chính là một trong những xã đầu nguồn của dòng sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng. Theo anh Nguyễn Văn Ly, cán bộ nông nghiệp xã thì hiện nay ở xã cũng có nhiều hộ dân "phất” lên nhờ cây cao su. Tuy nhiên, cũng còn nhiều chuyện buồn ở những vườn cao su này. Cụ thể, gia đình bà Trần Thị Duyên ở ấp Bến Sỏi, Thành Long là một ví dụ. Tiền thu được từ vườn cao su lên đến mấy trăm triệu mỗi năm. Chính vì thế, đứa con trai duy nhất nhà bà cũng thường xuyên vượt biên sang bên Campuchia đánh bạc bởi có tiền nhiều ở vùng biên giới này cũng chẳng biết tiêu vào cái gì. Vậy là, những dòng mủ cao su chảy xuống không những không đem lại lợi ích thiết thực mà lại theo chân cậu quý tử nhà bà chảy vào túi các Casino bên kia biên giới. Nhưng mà vàng trắng từ gần 2ha cao su của bà chảy nhanh đến đâu cũng không kịp những ván bài đen đỏ của cậu con trai nên những xe SH, ti vi, tủ lạnh hay tiền gửi ngân hàng cứ lần lượt đội nón ra đi.
Hay nổi bật như chuyện hai vợ chồng anh Hào, chủ vườn cao su tiểu điền ở xã Hòa Thạnh bên cạnh cũng đau lòng không kém. Chỉ có đâu dăm năm, từ hai bàn tay trắng, đôi vợ chồng trẻ này đi thu mua mủ cao su của các vườn tiểu điền trong vùng rồi bán lại cho nhà máy. Công việc khấm khá và dần dần là hái ra tiền. Sau khi đã mua sắm đầy đủ cho ngôi nhà ba tầng ngay huyện lộ anh Hào và vợ nghĩ ra cách chơi hụi cùng những người khác. Tiền nhiều, tính ăn thua ngày một lớn cho đến khi chủ hụi bỏ quê đi biệt xứ cũng là lúc vợ anh Hào đổ gục xuống nền nhà khóc ngất cùng với số tiền gần 2 tỷ đồng gom nhặt của 3 năm mua mủ cao su. Những dòng vàng trắng chảy dài như nước mắt của đôi vợ chồng trẻ vì những ân hận muộn màng.
Ba ngày không phải là nhiều khi chúng tôi ở vùng đất biên giới Đông Nam bộ này, tuy nhiên, cùng với hàng trăm những câu chuyện vui về sự đổi đời, giàu sang của cây cao su thì cũng ngần ấy câu chuyện đắng lòng, rơi nước mắt. Từ chuyện cha mẹ, con cái đánh chửi kiện cáo, ly thân vì vài trăm mét đất cao su cho tới những vụ bỏ vợ, lìa chồng, con hư… Một bức tranh hai mảng sáng tối rõ nét vô cùng tương phản như những gam màu của họa sỹ tài ba đã vẽ lên trên vùng núi rừng bạt ngàn màu xanh và quý giá màu trắng này. Nó tàn nhẫn và bất ngờ khiến nhiều gia đình khốn đốn lao đao. Mà nếu họ biết chắt chiu, biết sống cho đúng đắn, thì chắc chắn, không đời nào rừng lại bạc đãi họ, nhất là khi rừng đã mang đến cho họ những dòng vàng trắng tinh khiết này.