Xuất khẩu cao su 10 tháng đầu năm 2011 đạt 608.000 tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng và 57,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cao su xuất khẩu tháng 10 ước đạt 80.000 tấn, trị giá 342 triệu USD đưa xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2011 đạt 608.000 tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng và 57,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010.
Kim ngạch xuất khẩu cao su tăng trưởng ở hầu hết các thị trường dù lượng xuất khẩu sang một số thị trường sụt giảm.
Nhu cầu tiêu thụ cao su không tăng mạnh như năm 2010 nhưng vẫn duy trì được xu hướng tăng cho tới cuối năm 2011. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2011 tăng 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.325 USD/tấn.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm 60,1% thị phần; các thị trường tiếp theo là Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc với thị phần lần lượt là 7,4%, 4,8% và 4,2%. Chủng loại cao su xuất khẩu nhiều nhất vẫn là SVR 3L, SVR 10 và cao su hỗn hợp.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 60% kim ngạch
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Thương mại – Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2011 của Việt Nam có thể đạt khoảng 3,67 tỷ USD với khối lượng hơn 820.000 tấn do nhu cầu cao su thiên nhiên tại các thị trường sản xuất ô tô chính Châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Nghiên cứu xu thế biến động của chuỗi số liệu xuất khẩu cao su những năm qua có thể dự báo giá trị xuất khẩu cao su năm 2011 đạt mức gần 3,63 tỷ USD tương đương với con số dự báo của tháng trước do khó khăn về thị trường trong nước và quốc tế.
Về tình hình cao su thế giới, hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên điều chỉnh dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu tăng nhờ sản lượng tăng tại các nước Trung Quốc, Indonesia và Malaysia. Dự báo sản lượng cả năm 2011 đạt 10 triệu tấn so với mức 9,96 triệu tấn đưa ra vào tháng 6/2011 và tăng khoảng 6% so với năm 2010. Đây là mức cải thiện đáng kể so với mức giảm tương ứng 1% và 4,2% trong hai quý trước.
Diện tích trồng cao su Malaysia năm 2011 dự kiến đạt 1,1 triệu ha với sản lượng đạt 1,04 triệu tấn, tăng lần lượt 2,7% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Tại Ấn Độ, sản xuất cao su thiên nhiên từ tháng 4 đến tháng 9 tăng 4,3% đã tạo điều kiện cho khối lượng xuất khẩu tăng 3,6 lần cũng như tăng khối lượng tiêu thu nội địa khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2010.
Theo ANRPC, thị trường cao su thiên nhiên sụt giảm mạnh từ giữa tháng 9 không liên quan đến yếu tố cung cầu mà chỉ chịu tác động của biến động tỷ giá trên thị trường. Giá cao su thiên nhiên liên tục giảm do đồng tiền của ba nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia giảm giá so với đồng USD.
Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn trên thế giới. Số liệu Hải quan nước này cho thấy khối lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu trong tháng 9 đạt 240.000\tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng 8. Nhập khẩu cao su tổng hợp trong tháng 9 đạt 123.573 tấn nâng mức nhập khẩu cao su tổng hợp 9 tháng năm 2011 đạt 1.091.241 tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cao su kỳ hạn đã giảm 27% từ đỉnh do lo ngại kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm và khủng hoảng nợ bùng nổ tại Châu Âu có thể làm hạn chế nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên để sản xuất lốp xe và găng tay. Theo dự báo Deutsche Bank, giá cao su sẽ duy trì ở mức trung bình 5 USD/kg trong năm 2011, tăng nhẹ lên mức 5,1 USD/kg trong năm 2012.
Tuy nhiên đến năm 2013 giá sẽ xuống mức 4,5 USD/kg do dự đoán nguồn cung cao su của Thái Lan sẽ dồi dào. Tính từ đầu năm cho đến nay giá cao su thiên nhiên trung bình trong năm 2011 là 4,9 USD/kg.