Trong khuôn khổ chương trình làm việc giữa Tập đoàn CN Cao su VN (VRG) với UBND tỉnh Lai Châu, ngày 23/7, hai bên đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất (QSDĐ) hợp tác trồng cao su giữa người dân huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) với Cty CP Cao su Lai Châu I.
Chương trình phát triển
cao su vùng Tây Bắc mặc dù đã triển khai được 5 năm, tuy nhiên do nhiều vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân tại các vùng trồng cao su nên đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa thể tiến hành ký hợp đồng (HĐ) góp đất giữa người dân với các Cty cao su.
Vì vậy, việc ký kết HĐ góp đất giữa người dân huyện Sìn Hồ với Cty CP Cao su Lai Châu I là sự kiện quan trọng, tạo cơ sở pháp lí giữa Cty cao su và người dân góp đất trong quá trình triển khai phát triển cao su cũng như khi phân chia sản phẩm khi cao su bước vào khai thác mủ.
Trên cơ sở bàn bạc, thảo luận kỹ với người dân tham gia góp đất trồng cao su, HĐ giữa Cty CP Cao su Lai Châu I với người dân góp đất quy định: Thời hạn góp quyền SDĐ là 30 năm. Giá trị sản phẩm mủ cao su mà hộ dân được nhận trong một năm được xác định bằng 10% của diện tích đất mà hộ dân đó đóng góp nhân với năng suất mủ bình quân của toàn Cty trong năm, nhân với giá thị trường. Trong đó, giá thị trường do Cty cao su thống nhất với cơ quan quản lí giá của địa phương ban hành định kỳ.
Về phương thức thanh toán giá trị sản phẩm mủ cao su, Cty cao su sẽ thanh toán cho người dân góp đất bằng tiền mặt mỗi năm hai lần, lần một vào tháng 7 hàng năm và lần 2 vào tháng 1 năm sau. Đối với vườn cao su thanh lí sau khi hết chu kỳ khai thác mủ, người dân góp đất cũng sẽ được nhận 10% giá trị lợi nhuận sau thuế theo diện tích đất đóng góp.
Đối với tiền dịch vụ môi trường rừng, Cty cao su có trách nhiệm đầu tư trở lại cho vùng dự án trồng cao su, nội dung đầu tư do Cty cao su thỏa thuận với UBND tỉnh.
HĐ góp đất cũng nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của phía Cty cao su cũng như người dân góp đất. Cụ thể: Người góp đất có nhiệm vụ nộp thuế sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính khác cho nhà nước (nếu có). Khi hết hạn HĐ, người góp đất được nhận lại quyền SDĐ nhưng không được yêu cầu trả lại nguyên trạng đất như trước.
Người góp đất cũng được phép chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế một phần hoặc toàn bộ quyền SDĐ đã góp khi được sự chấp thuận của Cty cao su, được yêu cầu Cty cao su bồi thường thiệt hại tính theo lãi suất ngân hàng nếu Cty cao su không thanh toán đúng thời hạn hoặc không đủ giá trị sản phẩm mủ...
Hộ dân góp đất cũng sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân cho Cty cao su theo quy chế của Cty và Bộ luật Lao động. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất, HĐ quy định người góp đất được hưởng giá trị bồi thường về quyền SDĐ... Bên cạnh những nội dung chính về phương thức hợp tác góp đất, HĐ cũng chỉ rõ về cách giải quyết tranh chấp, các trường hợp xử lí khi chấm dứt HĐ, các cam kết của các bên ký kết HĐ...
Được biết để có giấy chứng nhận quyền SDĐ làm cơ sở pháp lí giúp người dân ký HĐ góp đất với Cty cao su, UBND huyện Sìn Hồ thời gian qua đã gấp rút triển khai đo đạc, thẩm định hồ sơ nhằm cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với các diện tích đất góp để trồng cao su.
Theo đó, tổng diện tích đo đạc đối với đất phát triển cao su tới tháng 7/2013 là trên 12.000 ha, với hơn 6.000 hộ dân tham gia góp đất. Đến nay, UBND huyện đã xem xét hồ sơ của hơn 1.200 hộ dân góp đất, ký hơn 3.000 giấy chứng nhận QSDĐ thuộc khu vực chuyển đổi trồng cao su tại 4 xã trong huyện với diện tích hơn 1.600 ha.
Đến nay, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã trồng được gần 7.500 ha cao su, trong đó hơn 5.500 ha thuộc Cty CP Cao su Lai Châu I và hơn 2.000 ha thuộc Cty CP Cao su Lai Châu II.
Năm 2013, diện tích cao su trồng mới tại Sìn Hồ ước đạt 800 ha, vượt 33% kế hoạch. Về tình hình phát triển, các diện tích cao su ở Sìn Hồ được đánh giá phát triển tốt nhất vùng Tây Bắc, nhiều diện tích trồng năm 2009 sẽ có thể thu hoạch mủ thí điểm vào năm 2014, và thu hoạch đại trà vào năm 2015.