Hotline: 0908961396

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su

23/6/2010
Kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su
Đổi mặt cạo Cạo hết một mặt thì đổi mặt cạo, tức là chuyển sang cạo vỏ mới ở nơi khác. Cách đổi như sau: - Mặt cạo đầu tiên có miệng dưới 60cm trên mối ghép (cây ghép) hoặc trên mặt đất (cây trồng hạt). - Mặt cạo thứ hai sẽ mở 2 năm sau, ở nửa thân bên kia và miệng dưới ở 80cm trên mối ghép hoặc trên mặt đất. - Mặt cạo thứ ba sẽ mở 3 năm sau nữa, trên nửa thân đã có đường cạo đầu tiên, miệng dưới cách mối ghép 1,25m (cây ghép) hoặc 1,05m trên mặt đất (cây trồng hạt). Khi đổi mặt cạo, dùng rập để mở đường cạo mới. Trên lý thuyết thì các mặt cạo được cạo xong cùng một lúc, nhưng thực tế có xê dịch một số lần cạo. Chú ý cắm máng xối, treo chén hứng mủ hơi thấp để đỡ phải di chuyển nhiều lần, gây vết thương ở vỏ.

Kích thích chảy mủ

Sản lượng mủ cao su thu hoạch phụ thuộc vào sự tái sinh mủ, sự kéo dài dòng chảy của mủ và sự chậm bít mạch mủ ở miệng cạo. Gần đây, người ta đã phát hiện ra nhiều cách kích thích chảy mủ như sử dụng dầu mỡ, gây chấn thương cơ học hay hoá học hoặc sử dụng ôc-xin và hoóc-môn thực vật. Đây là cách làm được dùng nhiều nhất. Các chất kích thích chảy mủ làm chậm quá trình bít mạch mủ ở miệng cạo (mủ chậm đông thành nút), có hiệu lực kéo dài sự chảy mủ thông qua sự có mặt của êtylen (C2H4). Sự có mặt ấy xảy ra bằng 2 cách:

- Các chất như AIA (axit inđôn âxêtic), AIB (axit inđôn -butyric), 2,4-D (axit dicloro phênexy axêtic), ANA (axit naphtalen axetic) … kích thích mô của cây cao su tự sản xuất ra êtylen.

- Ethrel chứa hoạt chất Ethephon (axít dicloro-êtyl-phốtphêric) khi tiếp xúc với mô của cây (môi trường bazơ) thì phân tích và giải phóng êtylen của mình ra.

Tuỳ theo dòng vô tính, sự gia tăng sản lượng mủ bằng thuốc kích thích biến thiên từ 25 đến 100%. Nhưng khi kích thích quá mạnh hoặc với nồng độ hoạt chất quá cao trong thời gian dài thì ngoài sự tăng sản lượng còn có nhiều phản ứng bất lợi như: vỏ tái sinh bị hư hỏng, nổi u, nổi bướu, cây bị suy yếu, kiệt sức, sự sinh trưởng bị kìm hãm, bệnh khô miệng cạo xuất hiện trầm trọng. Vì vậy, đi đôi với sự kích thích, người ta còn giảm cường độ cạo (rút ngắn miệng cạo, bớt nhịp độ cạo), chuyển mục đích cũ của việc kích thích là tăng sản lượng sang mục đích mới là tăng năng suất lao động của người cạo mủ, duy trì được sản lượng hay tăng một ít trong khi giảm cường độ cạo.

Cụ thể, dùng Ethrel nồng độ 2,5-5% (ký hiệu ET), liều lượng 50-100mg hoạt chất/cây/lần, 3-4 lần/năm.

Một nguyên tắc là kích thích phải đi đôi với giảm cường độ cạo. Có 3 cách bôi kích thích:

Ngay dưới miệng cạo, sau khi nạo vỏ.

Ngay vào mặt cạo, phía trên miệng cạo.

Ngay trên miệng cạo không bóc lớp mủ dây trên miệng cạo.

Chế độ cạo

Toàn bộ kỹ thuật cạo, kể cả kích thích nói trên, gọi là chế độ cạo.

Các chế độ cạo thường dùng như sau:

- Cạo nửa vòng xoắn, ngày cạo, ngày nghỉ, 150 lần/năm: Hao dăm nhiều, khoảng 20 - 25cm/năm; được dùng nhiều ở các nước Đông Nam Á, nhất là Malaysia.

- Cạo toàn vòng xoắn, 3 - 4 ngày/lần, tức là 2 lần /tuần và nghỉ ngày chủ nhật; 90 lần/năm; đang dùng ở nước ta đối với các cây già.

- Cạo toàn vòng xoắn, hai tuần cạo 3 lần; 70 lần/năm; ít hao dăm, ít tốn công cạo.

- Cạo nửa vòng xoắn, mỗi tuần 2 lần, có kích thích với Etharel, nồng độ 5%, 90 lần cạo/năm, hao dăm 15cm/năm. Mở miệng cạo ở độ cao 1,2m, năm thứ nhất cạo một nửa miệng cạo này, 5 tháng sau trên nửa miệng cạo kia. Một năm nghỉ cạo 2 tháng. Chế độ cạo này có lợi ích sau:

- Cạo 13-14 năm mới hết mặt cạo; khi trở lại vỏ đã tái sinh tốt.

- Không phải cạo xuống thấp.

- Sản lượng được giữ vững trong thời gian dài.

Hiện nay, cây cao su ở nước ta thường cạo theo chế độ sau:

- Cây trung niên, không kích thích cạo nửa vòng xoắn từ trên xuống, 2 lần/tuần, 11 tháng trong năm cộng với cạo ngược, 2 tuần một lần vào 3 tháng cuối năm.

- Đối với cây già khai thác mạnh hơn: 2 tháng/lần

Nguyễn Thanh Sơn