Hotline: 0908961396

Làng ''xẻ thịt'' lốp xe

16/7/2010
Làng ''xẻ thịt'' lốp xe
Nhiều người dân ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa cách, Quảng Ngãi đã "phất lên" nhờ lốp xe phế thải. Một góc làng phế thải với đủ loại lốp xe, tràn cả ra đường Nhiều người dân ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa cách, Quảng Ngãi đã "phất lên" nhờ lốp xe phế thải. Thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa cách TP Quảng Ngãi chừng 10 km được mệnh danh là làng phế thải. Lốp xe xúc, xe ủi, xe tải, xe khách và cả lốp xe Honda mòn vẹt cùng hội ngộ tại đây, nằm la liệt trước sân nhà, trong vườn cây, trên bãi đất trống rồi tràn cả ra hai bên đường.

Công trường là chợ, bác tài là đối tác

Anh Lê Văn Năm có thâm niên trên 20 năm làm nghề lốp phế thải đã chia sẻ: “Người thì nhiều nhưng ruộng đồng ít nên những năm sau ngày thống nhất đất nước, dân nơi đây xoay xở đủ nghề. Ở làng, có vài người quá bức bách nên bỏ quê vào TP.HCM. Họ làm thuê cho một số cơ sở xẻ thịt lốp ôtô cũ làm đế dép và tước bố chỉ bán cho những cơ sở làm lốp xe Honda. Học được nghề, họ trở về quê làm ăn. Từ đó, cả làng bắt chước, học và làm theo”.

Ngày đó, trai tráng trong làng bán tháo bán đổ gà vịt, rồi bán cả đồ đạc trong nhà sắm chiếc Honda 67 cà tàng, lận lưng năm, ba triệu đồng rong ruổi khắp các tỉnh lân cận (Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng). Như con ong cần mẫn, họ tìm đến các công trường, các gara xe hơi hỏi mua lốp xe cũ. Mua xong, họ chở đến một nơi quen biết để tập kết, chờ đến khi kiếm được chừng 100 cái sẽ thuê xe tải chở về.

Người theo nghề ngày một đông nên nguồn hàng ở các tỉnh lân cận dần cạn kiệt. Người làng lại mở rộng phạm vi tác nghiệp. Có người ra tận các hầm mỏ ở Quảng Ninh, có người lên đường Trường Sơn, lên Tây Nguyên hoặc vào tận các công trình ở miền Đông Nam bộ để tìm mua lốp phế thải.

Theo nghề, anh Năm trôi ra tận Nghệ An. Anh kể: “Cái nghề vô chừng, bạ đâu ăn ngủ đó. Sang thì vào nhà trọ, không thì kiếm hiên nhà người ta trú đỡ qua đêm. Người làng từ lâu đã xem công trường, hầm mỏ, doanh nghiệp xe khách là chợ, cánh tài xế, chủ gara là đối tác”. Có khi vừa đến nơi đã trúng mánh vì gặp dịp đơn vị nào đó thay lốp hàng loạt. Cũng có khi cứ rong ruổi mãi mà chẳng được bao nhiêu.

Đa dạng hóa sản phẩm

Phân loại là công việc đầu tiên khi đem lốp xe cũ về. Lốp còn sử dụng được sẽ dành để bán cho các xe tải công trường. Lốp không thể sử dụng được thì đem xẻ thịt. Thợ lốp Nguyễn Văn Ngọc giải thích: “Thời nghèo khó, cả nước dùng dép cao su, hàng bán chạy như tôm tươi. Sản phẩm làm ra chẳng cần chào hàng, bạn hàng tranh nhau mua sạch”.
 
Rồi cuộc sống khá hơn, dép lốp chỉ dành cho những người đi rẫy nên nghề làm dép lốp cũng co lại. Dân làng tập trung làm bố chỉ bán cho các cơ sở sản xuất lốp xe ở Quảng Ngãi và TP.HCM. Riêng phần bìa của lốp được xuất sang Trung Quốc.

Những năm gần đây, ở Quảng Ngãi, nhiều công trình mọc lên, dân làng nghĩ cách làm thùng đựng bê-tông để bán, làm máng cao su cho heo ăn. Máng cao su có ưu điểm vừa rẻ tiền vừa cọ rửa dễ dàng. Như vậy, với người khác, lốp ôtô phế thải là thứ vô dụng nhưng với người làng, chẳng có gì từ những phế phẩm ấy là của bỏ đi.

Phất lên từ lốp phế thải
 
Nghề làm lốp phế thải rất nhọc nhằn: đi thu gom phải chịu cảnh nắng mưa, ăn ngủ vô định, còn khâu xẻ thịt lốp lại vô cùng nặng nhọc, cơ thể luôn đen nhẻm vì dính bụi cao su. Thế nhưng chẳng ai phàn nàn vì họ biết thời buổi này người đông của khó. Mỗi ngày xẻ thịt năm, bảy lốp xe cũng kiếm được 100-150 ngàn đồng. Làm nghề tước bố chỉ gia công, mỗi người cũng kiếm được 30-50 ngàn đồng/ngày.

Từ nghề xẻ thịt lốp ôtô phế thải, một số thợ trong làng chuyển sang “buôn vỏ chạy”, nghĩa là đến các cơ sở thu gom lốp chọn mua những chiếc lốp còn sử dụng được với giá 200-500 ngàn đồng/chiếc tùy độ mòn của lốp. Sau đó, họ bán lại cho những xe tải, xe ủi ở công trường với giá từ 700 ngàn đến một triệu đồng/chiếc.

Nghề “buôn vỏ chạy” đã làm cho nhiều người phất lên nhanh chóng. Chủ doanh nghiệp cung ứng lốp ôtô tải Thành Phương (TP Quảng Ngãi) và chủ cơ sở cung ứng lốp ôtô Ngọc Phú (thị trấn Sơn Tịnh) xuất phát điểm cũng là thợ xẻ thịt lốp của làng.

Hiện cơ sở của ông Phạm Trầm là cơ sở chế biến lốp phế thải hoành tráng nhất làng. Thường ngày, cơ sở có khoảng vài chục lao động làm thuê. Với ông Trầm, nghề xẻ thịt lốp phế thải đã cho ông một cuộc sống khá thoải mái, giúp ông đủ sức đưa ba đứa con vào đại học.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa Huỳnh Văn Dũng tự hào: “Nghề xẻ thịt lốp phế thải đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 3.000 dân địa phương và một số xã lân cận”.
Huy Hoàng
www.hoangminhco.com - Theo Báo pháp Luật