Trước việc cạo mủ cao su tốn nhiều thời gian và công lao động của người công nhân, gần đây đã có nhiều sáng kiến cải tiến dao cạo mủ và ngay cả sáng chế ra máy cạo mủ phục vụ cho việc khai thác mủ cao su. Mới đây, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Đỗ Kim Thành và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam đã cải tiến loại dao cạo mủ lắp ghép và được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng giải pháp hữu ích. Với dao cạo truyền thống, lưỡi gắn liền với cán nên thường bị mòn hoặc mẻ sau 1,5-2 tháng sử dụng. Khi đó, phải mang ra lò rèn để rèn lại. Thời gian phục hồi dao mất hơn 1 tuần và làm ảnh hưởng đến tiến độ cạo mủ cao su. Xuất phát từ thực tế trên, kỹ sư Thành đã chế tạo dao cạo mủ cao su lắp ghép được. Khi bị mòn, hoặc mẻ trong quá trình làm việc, người cạo mũ sẽ thay bằng lưỡi dao mới. Việc thay lưỡi được thực hiện bằng tuốc nơ vít đơn giản với hai vít vặn.
Tại các nước trồng
cao su cũng có nhiều sáng kiến ứng dụng trong việc cạo mủ cao su. Viện nghiên cứu cao su Sri Lanka vừa giới thiệu dao cạo mủ được cải tiến về mặt kỹ thuật có thể dùng để khai thác mủ mà không làm phương hại đến cây và còn giúp khai thác khối lượng tối đa mủ cao su từ cây. Dao cạo mủ cải tiến này có thể kiểm soát bề dày vỏ của nhát dao cạo và bảo vệ không gây hại đến thượng tầng của cây. Theo đánh giá, người công nhân không có kinh nghiệm hoặc chưa được đào tạo cạo mủ cũng có thể sử dụng dao cạo mủ mới này.
Hay mới đây, nông dân Lê Thanh Bình ở TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cũng đã nghiên cứu thành công loại máy cạo mủ cao su có thể tăng công suất thu hoạch mủ gấp 3 lần so với cạo mủ bằng tay. Loại máy này gọn nhẹ dễ sử dụng, trọng lượng chỉ khoảng 0,7kg. Máy cạo mủ cao su được sản xuất dựa trên nguyên tắc momen quay tròn của động cơ điện 1 chiều để gọt lớp vỏ cây cao su, có thể điều chỉnh phù hợp với lớp cắt, độ sâu, độ dày của vỏ, tránh phạm vào thân gỗ làm tổn thương cây. Tốc độ của máy cắt nhanh, ngọt nên không bít đường ống tiết mủ và lượng mủ tiết ra tăng 10 – 15% so với dao cạo mủ truyền thống.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong ngành cao su, máy cạo mủ khó có thể thay thế dao cạo mủ truyền thống của người công nhân lâu nay. Nhiều người ví von người công nhân cao su giống như người thợ cơ khí chính xác Do đặc thù để có sản lượng mủ cao đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác đến từng đường cạo của người lao động thủ công mà không làm tổn hại đến vỏ cây và lớp thượng tầng của cây. Và các loại dao cải tiến chỉ trợ giúp cho công việc của người cạo mủ được thuận lợi hơn chứ không thể thay thế hoàn toàn việc cạo mủ.