Hotline: 0908961396

Một số kinh nghiệm phòng trừ bệnh phấn trắng hại cao su

20/05/2011
Một số kinh nghiệm phòng trừ bệnh phấn trắng hại cao su
Hỏi: Hàng năm, mỗi khi ra lá thì vườn cao su của tôi lại bị bệnh nấm tấn công làm cho lá rụng và cây bị suy yếu, khiến lượng mủ khai thác giảm khá nhiều. Xin cho biết cách phòng trị bệnh hiệu quả nhất hiện nay? Có khá nhiều loại thuốc phòng trị bệnh phấn trắng trên thị trường nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao, xin cho biết đó là do chất lượng thuốc kém hay do cách phun xịt chưa đúng kỹ thuật? (Một số bạn đọc ở Đắk Nông, Lâm Đồng)
Trả lời: Bệnh mà các bạn đề cập chính là bệnh phấn trắng do nấm Oidium hevea gây ra, có khả năng gây hại cho cây cao su ở mọi lứa tuổi, từ vườn nhân, ươm đến vườn cao su khai thác và thường gây hại nặng vào giai đoạn ra lá mới hàng năm. Bệnh gây rụng lá, làm chậm thời gian khai thác dẫn đến giảm sản lượng mủ ở vườn cao su kinh doanh và làm chậm tốc độ sinh trưởng, thậm chí có thể gây chết cây ở những vườn cao su kiến thiết cũng như ở vườn nhân và vườn ươm. Bệnh tấn công chủ yếu lá non, làm lá rụng hàng loạt nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù. Sau giai đoạn này, lá không bị rụng nữa mà để lại các vết bệnh có nhiều dạng loang lổ khác nhau, thậm chí toàn bộ phiến lá bị biến dạng và chuyển qua màu vàng nhạt, trên các vết bệnh sinh ra lớp bột màu trắng như phấn, cây sinh trưởng kém, hoa bị bệnh thì nhỏ hoặc thối rụng. Để phòng trừ bệnh phấn trắng đạt hiệu quả cao, không những cần sử dụng đúng thuốc, phun xịt đúng yêu cầu kỹ thuật mà cần lưu ý áp dụng đồng thời nhiều biện pháp sau đây: - Tăng lượng phân đạm và kali vào giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định. - Trồng giống kháng bệnh: có thể tìm hiểu các dòng vô tính kháng bệnh ở các trung tâm khuyến nông tỉnh hoặc các trạm thực nghiệm giống cao su ở địa phương. - Vệ sinh vườn cây trong và sau khi rụng lá. - Thăm vườn cao su thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp phòng trị thích hợp và kịp thời. ở các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn cây năm trước đã nhiễm bệnh, nhất thiết phải chọn thời điểm ra lá mới để xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp 3 – 6 lần, với chu kỳ 7 – 10 ngày /lần. Loại thuốc rất có hiệu quả mà các vùng trồng cao su ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã áp dụng khá phổ biến thời gian gần đây là Sulox 80WP. Nên phun ngay trong giai đoạn chồi đọt chuẩn bị cho đợt lá đầu tiên hoặc khi phát hiện có dấu hiệu bệnh với nồng độ là 2 – 2,2 (2 – 2, 2 kg thuốc thành phẩm trên 1.000 lít nước). Phun thuốc đúng thời điểm cũng là một trong những yếu tố quyết định khả năng thành công của việc phòng trừ bệnh phấn trắng trên cao su. Thời điểm phun hiệu quả cao là giai đoạn búp lá (lá có màu tím nhạt), khi lá chưa hoàn chỉnh về mặt hình thái và nên phun 2 lần, cách nhau 2 tuần. Có thể kết hợp phun thuốc trừ bệnh Sulox với phân bón lá cao cấp Multi -K nhằm tăng khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của cây cao su với liều lượng 2 – 3 kg phân Multi -K/1.000 lít nước và phun kết hợp với thuốc Sulox ở lần xử lý thứ 2. Ngoài ra, phun thuốc đúng kỹ thuật cũng là một yếu tố không thể thiếu nếu muốn đạt hiệu quả cao trong phòng trừ bệnh này, trong đó thiết bị phun có thể được sáng tạo tùy điều kiện của từng địa phương sao cho phù hợp. Xin đơn cử một kiểu thiết bị phun xịt đã được áp dụng ở các vùng cao su tại Tây Nguyên mang lại hiệu quả phòng trị rất khả quan, đó là máy phun cao áp TF45 -C30 với dàn máy kéo công nông có gắn bồn chứa nước bằng nhựa (dung tích 1.200 – 1.500 lít) và cải tiến cần bơm cao thích hợp với độ cao của cây. Với cách thiết kế này, hệ thống phun xịt thuốc trên có thể xử lý 20 – 30ha cao su/ngày chỉ với một nhân công (tùy theo nguồn nước lấy xa hay gần điểm phun). Tuy nhiên, cần trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp phun thuốc và chú ý tránh các đường dây điện đi qua vườn cao su vì nếu bất cẩn sẽ dễ xảy ra nguy cơ phóng điện hoặc điện giật. Vân Trường (Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia)
Hòang Minh
www.hoangminhco.com theo hoi khuyen nong