Hotline: 0908961396

Năm 2012, ngành cao su sẽ gặp khó

09/01/2012
Năm 2012, ngành cao su sẽ gặp khó
Trên TTCK, cổ phiếu ngành cao su luôn nằm trong nhóm cổ phiếu “phòng thủ” không có biến động giá quá nhiều so với cổ phiếu DN thuộc các ngành khác.
Một năm thành công

Trong năm 2011, nhiều DN ngành cao su đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng, vượt xa so với kế hoạch năm.

Ông Bành Mạnh Đức, Phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cho biết, HRC hoàn thành vượt mức lợi nhuận và doanh thu so với kế hoạch năm 2011. Tính đến hết tháng 11/2011, HRC đạt tổng doanh thu 598 tỷ đồng. (trong khi theo kế hoạch là 240,81 tỷ đồng). Sở dĩ doanh thu năm 2011 của Công ty tăng mạnh nhờ HRC đẩy mạnh việc thu mua cao su phục vụ xuất khẩu.

Trong năm 2011, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) cũng tiêu thụ được 25.254 tấn mủ thành phẩm với giá bán bình quân là 94,74 triệu đồng/tấn, dự kiến đạt doanh thu cả năm trên 2.400 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận là 600 tỷ đồng, Công ty vượt trên 30%, đạt khoảng 800 tỷ đồng.

 

Nhưng khó khăn phía trước

Tuy nhiên, năm 2012 lại được dự báo là một năm nhiều khó khăn với các DN ngành cao su bởi giá cao su đang có xu hướng giảm.

Năm 2012, HRC sẽ giảm diện tích khai thác cao su và tập trung thanh lý lượng cao su tồn trong năm 2011 nên hiệu quả kinh doanh dự kiến sẽ không bằng năm 2011. Bởi vậy, HRC đã đặt các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012 thấp hơn so với năm 2011.

Đại diện CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng cho biết, mặc dù đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2012 cao hơn năm 2011 nhưng TRC xác định năm 2012 sẽ khó khăn hơn năm 2011.

TRC đã lập kế hoạch sơ bộ cho năm 2012 với một số chỉ tiêu cơ bản như: sản lượng mủ khai thác 11.200 tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 15.600 tấn (xuất khẩu 9.200 tấn và tiêu thụ trong nước 6.400 tấn); doanh thu 1.196,54 tỷ đồng.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, bên cạnh việc tập trung khai thác diện tích vườn cao su trong nước, TRC đang mở rộng trồng cao su ở Campuchia và đẩy mạnh xuất khẩu. Mục tiêu của TRC là tăng sản lượng xuất khẩu năm nay lên gần gấp đôi so với năm 2011 nhằm hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.

Trên TTCK, cổ phiếu ngành cao su luôn nằm trong nhóm cổ phiếu “phòng thủ” không có biến động giá quá nhiều so với cổ phiếu DN thuộc các ngành khác. Hiện nay, cổ phiếu DN ngành cao su vẫn duy trì được mức giá khá cao so với mức giá chung của thị trường.

Mặc dù chiếm ưu thế ngành nhưng nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi các DN ngành cao su như biến động giá, diễn biến thời tiết thất thường. Để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, các DN phải luôn theo dõi sát sao diễn biến giá thị trường cao su trong nước và trên thế giới để có kế hoạch phát triển diện tích trồng cao su phù hợp.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com