thiên nhiên đứng trước nhiều thách thức khi mà giá liên tục sụt giảm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay xuất khẩu cao su ước đạt 1,07 triệu tấn với giá trị 1,79 tỷ USD, tăng 0,2% về khối lượng nhưng lại giảm 27,7% về giá trị so với năm 2013.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm đạt 1.695 USD một tấn, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc và Malaysia vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, nhưng có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2013.
Báo cáo tài chính 9 tháng của các doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cho thấy lợi nhuận sụt giảm.
Công ty cổ phần cao su Hoà Bình (Mã CK: HRC) báo cáo quý III doanh thu đạt hơn 33 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tỷ đồng, giảm lần lượt 74% và 72% so với cùng kỳ. Tính cả 9 tháng, công ty đạt 121 tỷ đồng doanh thu, 36 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 62% và 24% so với cùng kỳ. Điều gây bất ngờ là quý I năm nay, công ty này có lãi ròng gần 20 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý vườn cây. Như vậy, với khoản lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ, đến ngày 31/9, công ty mới chỉ thực hiện được 52% kế hoạch năm.
Là đơn vị có quy mô vốn lớn, Công ty cổ phần cao su Phước Hoà (Mã CK: PHR) 9 tháng đầu năm đạt 1.135 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 161 tỷ đồng, giảm 16% và 17% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân chính là do giá bán cao su sụt giảm mạnh.
Đầu tháng 12, công ty quyết định xin ý kiến cổ đông bằng văn bản điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm. Theo đó, doanh thu cả năm của doanh nghiệp này sẽ giảm gần 3%, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 22% xuống còn 164 tỷ đồng.
Công ty cổ phần cao su Tây Ninh (Mã CK: TRC) cũng quyết định xin ý kiến cổ đông giảm doanh thu từ 722 tỷ đồng xuống còn 551 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế sẽ điều chỉnh từ 133 tỷ đồng xuống 64,8 tỷ đồng. Kế hoạch này dự kiến trình cổ đông trong đại hội thường niên 2015. Bởi lẽ, báo cáo 9 tháng đơn vị này cho thấy doanh thu chỉ đạt 195 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52,6 tỷ, giảm 56% và 65% so với cùng kỳ.
Ngoài các công ty trên, hiện nay các công ty cao su tự nhiên còn lại như Công ty cổ phần
cao su Thống Nhất (TNC), Công ty cổ phần cao su Đồng Phú (Mã CK: DPR)… cũng không nằm ngoài danh sách giảm lãi. Sự việc này đang khiến cổ đông và công ty như "ngồi trên lửa" khi giá cao su chưa có diễn tiến phục hồi. Từ 2012, lợi nhuận của các công ty này ngày càng teo tóp.
Báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam (Casumina, mã CK: CSM), doanh thu bán hàng 9 tháng xấp xỉ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 247 tỷ đồng, giảm 4% so với năm ngoái. Riêng quý III lợi nhuận giảm 12%. Ông Phạm Đồng Phú, Tổng giám đốc công ty cho biết, nguyên nhân khiến lãi quý III giảm là vì giá bán sản phẩm giảm, chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý tăng...
Còn đối với Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC), lợi nhuận sau thuế 9 tháng cũng chỉ đạt gần 250 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu 9 tháng tăng 18% so với cùng kỳ.
Giải trình về nguyên nhân giảm lợi nhuận, công ty cũng thừa nhận do giá vốn, chi phí bán hàng quản lý và tài chính tăng. Cụ thể, chi phí tài chính quý III của công ty tăng 58%, bán hàng tăng 57%, quản lý tăng 73% khiến lợi nhuận sau thuế quý III giảm 29% và chỉ ở mức gần 65 tỷ đồng
Chủ tịch Hội
Cao su-Nhựa TP HCM Nguyễn Quốc Anh cho hay cao su thiên nhiên vẫn đang khó khăn vì giá giảm. Một số chủ vườn cao su ở các tỉnh phía Nam phải chặt bỏ hàng trăm ha cao su để chuyển sang cây trồng khác. Các doanh nghiệp thu mua thường xuyên đối mặt với mức giá thấp vì vậy đã lỗ nặng với kho hàng tồn.
"Riêng với các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm như Cao su Đà Nẵng, Casumina, thực tế lãi giảm là do họ đưa nhà máy sản xuất lốp ô tô tải Radial vào hoạt động. Giai đoạn đầu, các nhà máy này chưa đạt yêu cầu về công suất nên năng suất thấp, trong khi đó lãi vay cho dự án cao, lại phải chịu chi phí khấu hao nhà máy hàng năm, nên dù doanh thu có tăng thì lợi nhuận khó có thể đạt như mong muốn", ông Anh giải thích.
Dự báo về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong 2015, ông Anh cho rằng, với tác động của giá dầu giảm, nhu cầu cao su thế giới chững lại thì các đơn vị kinh doanh cao su thiên nhiên vẫn còn nhiều khó khăn vì giá cao su không thể tăng, thậm chí giảm. Còn các doanh nghiệp sản xuất cao su cũng sẽ phải chuyển mình theo hướng thị trường khi giá thành của các nguyên vật liệu làm lốp xe như than đen, dầu... có nhiều biến động, giá vốn hàng bán thành phẩm có thể sẽ giảm. Do vậy, để bớt khó khăn, doanh nghiệp cần nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình cũng như điều tiết hoạt động kinh doanh.