Trong đó có những công ty vừa bỏ ra hàng trăm ngàn USD nhập khẩu dây chuyền sản xuất mới về phải “đắp chiếu” vì làm là lỗ.
Máy vừa nhập đã phải “đắp chiếu”
“Các loại cao su compound và latex đang có nhu cầu rất lớn ở nước ngoài, thế nhưng thuế xuất khẩu đã làm phá sản toàn bộ kế hoạch sản xuất của chúng tôi. Hiện nay máy móc để không trong khi công ty vẫn phải trả lãi suất cho ngân hàng… “
Ông Nguyễn Quang Hợp
(đại diện Công ty Hưng Thịnh)
Hiện đang vào mùa thu hoạch rộ mủ cao su và xuất khẩu, thế nhưng tại các phân xưởng sản xuất cao su ly tâm và cao su hỗn hợp ở Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tân Biên, Tây Ninh) lại vắng tanh không bóng người.
Chỉ vào dàn 10 máy sản xuất cao su latex đang trùm những túi nilông tránh bụi, ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Công ty Hưng Thịnh, cho biết dây chuyền nhập khẩu từ Thụy Điển với giá trị trên 400.000 USD về VN mới lắp ráp xong nhưng chưa sản xuất được miếng cao su nào. “Máy nhập khẩu về VN từ cuối năm 2011, nhưng Bộ Tài chính bất ngờ áp thuế xuất khẩu đối với cao su latex là 3% nên chúng tôi đành phải “đắp chiếu” máy, vì nếu sản xuất bán cho đối tác giá cũ sẽ bị lỗ” - ông Hợp chua xót.
Cách đó không xa, phân xưởng chế biến cao su hỗn hợp mà Công ty Hưng Thịnh đầu tư ba năm trước với tiền nhập khẩu máy móc 250.000 USD (chưa kể tiền mua máy móc trong nước và xây dựng nhà xưởng) cũng đang đóng cửa im ỉm. Toàn bộ không gian phân xưởng này đang được tận dụng làm nhà kho.
Ông Hợp cho biết năm ngoái mỗi ngày phân xưởng này chạy liên tục với khối lượng 5 tấn mủ/giờ và 50 công nhân làm việc 10 giờ mỗi ngày mới đủ hàng giao cho khách. Từ khi bị áp thuế xuất khẩu 3%, phân xưởng này hầu như đóng cửa, toàn bộ công nhân phải nghỉ việc hoặc chuyển qua phân đoạn khác.
“Hiện thi thoảng chúng tôi mới mở máy chạy hàng cho vài khách hàng quen để giữ mối, nhưng với những khách hàng này thì phải bán lỗ vì chịu thuế xuất khẩu” – ông Hợp chán nản.
Theo Công ty Hưng Thịnh, bên cạnh xưởng chế biến cao su cốm với công suất khoảng 1.000 tấn mủ mỗi tháng, nếu chạy hết công suất của hai phân xưởng cao su compound và latex mỗi tháng công ty sẽ tiêu thụ thêm khoảng 1.000 tấn mủ cao su của người dân, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 70 công nhân.
Không chỉ Hưng Thịnh, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân khác đã đầu tư dây chuyền sản xuất hai loại cao su trên đều ở vào tình thế không làm thì mất khách hàng, làm thì lỗ nặng. Theo các doanh nghiệp, thông thường tất cả loại cao su của VN đều bán thấp hơn cao su các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… 100-200 USD/tấn.
Hiện nay giá cao su trung bình chỉ còn 2.700-2.800 USD/tấn, nếu cộng thêm 3% thuế thì giá sẽ tăng thêm ít nhất 80 USD/tấn, gần bằng giá của các nước trong khu vực nên khách hàng không mua. Nếu chấp nhận bán với chênh lệch giá như trước kia thì các doanh nghiệp lỗ.
Kim ngạch xuất khẩu cao su giảm
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-7 VN đã xuất khẩu 441.310 tấn cao su các loại với kim ngạch gần 1,3 tỉ USD. Cùng kỳ năm 2011 xuất khẩu cao su VN đạt 326.267 tấn với kim ngạch trên 1,4 tỉ USD
Tăng thuế để khuyến khích chế biến?
Theo thông tư 145/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính áp dụng từ ngày 8-12-2011, mủ cao su tự nhiên, cao su hỗn hợp chưa lưu hóa sẽ có thuế suất xuất khẩu 3% (trước đó là 0%). Một trong những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là tăng thuế để khuyến khích ngành chế biến cao su trong nước thay vì chỉ xuất khẩu cao su thiên nhiên như hiện tại. Tuy nhiên, quyết định này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cao su vì đây là mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp, năm 2011 giá cao su xuất khẩu tăng cao đột biến, lúc cao điểm lên gần 6.000 USD/tấn nên đánh thuế 3% thì các doanh nghiệp vẫn có lãi. Nhưng đến nay giá cao su giảm mạnh chỉ còn 2.700-2.800 USD/tấn, nếu cộng thêm 3% thuế xuất khẩu thì sản phẩm VN không thể bán được vì giá đã bằng của nước ngoài.
Ông Lê Bá Thọ, trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Cao su Tây Ninh, cho biết đơn vị này vốn có thế mạnh về mặt hàng latex (chiếm 70% tổng lượng sản xuất) và khách hàng nước ngoài rất quan tâm tới sản phẩm này của công ty. Nhưng do bị đánh thuế nên Công ty CP Cao su Tây Ninh đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất sang một số loại sản phẩm khác như mủ cốm để tránh thuế. Theo đó, từ mức xuất khẩu 70% là cao su ly tâm thì trong sáu tháng đầu năm mặt hàng này chỉ còn
30-40%. “Nhưng làm sản phẩm mới lại không có thị trường xuất khẩu vì chúng tôi đã quen sản xuất mủ ly tâm. Do vậy hiện chúng tôi phải trở lại sản xuất mủ ly tâm dù hiệu quả không cao bằng sản xuất các loại cao su không chịu thuế” - ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, trong nhiều loại sản phẩm cao su xuất khẩu nhưng Nhà nước chỉ đánh thuế loại compound và latex là bất hợp lý. “Cùng sản lượng chế biến như nhau nhưng các công ty khác không sản xuất cao su ly tâm và hỗn hợp thì không phải chịu mức thuế này” – ông Thọ nói.
Với tư cách là phó chủ tịch Hiệp hội Cao su VN, ông Nguyễn Quang Hợp cho rằng làm nhiều sản phẩm khác nhau thì cơ cấu hàng hóa càng đa dạng, nhiều cơ hội bán cho các thị trường mới. Trong khi đó, hiện nay vẫn có đến 70% cao su của VN phải xuất khẩu qua Trung Quốc, chủ yếu là xuất thô, vì vậy nếu không mở rộng thị trường mà phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc thì cực kỳ rủi ro như nhiều ngành nông sản khác đã mắc phải. Trong khi đó các sản phẩm như cao su latex hiện chủ yếu bán cho Indonesia, Malaysia, Singapore, EU… lẽ ra phải được hỗ trợ thì lại bị đánh thuế.
Nên gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng thuế chính sách thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết thời điểm ban hành thông tư số 145/2011/TT-BTC về hướng dẫn thuế xuất khẩu đối với một số loại cao su là trong bối cảnh giá cao su lên rất cao và kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2011 là năm hoàng kim với hơn 3 tỉ USD. Thuế xuất khẩu áp mức 3% là thấp chứ không cao. Tuy nhiên, sau khi áp dụng mức thuế này thì giá cao su giảm nhiều. Đây là việc khá bình thường chứ chưa thể giảm để đến mức khiến doanh nghiệp bị lỗ.
Còn băn khoăn mức thuế 3% có thể áp mã hàng chưa chính xác. Vì quy định là chỉ thu với cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Tất cả vấn đề này, doanh nghiệp cần có kiến nghị cụ thể gửi về Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời, nếu thấy bất cập sẽ có hướng giải quyết cho phù hợp.