Hotline: 0908961396

Nhiều bức xúc từ những dự án chuyển đất rừng trồng cao su

14/10/2011
Nhiều bức xúc từ những dự án chuyển đất rừng trồng cao su
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương cho phép 41 doanh nghiệp thực hiện khảo sát các dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng và dự án nông lâm nghiệp khác trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích 35.832ha. Hiện có 29 dự án đã hoàn thành các thủ tục để triển khai thực hiện, diện tích rừng đã được trồng mới đến thời điểm này chỉ khoảng 6.800ha…

Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thực hiện chậm là do gặp khó khăn trong việc giải quyết đền bù, người dân khai phá lấn chiếm đất rừng trước và sau khi doanh nghiệp lập dự án nên đã nảy sinh tranh chấp kéo dài. Có doanh nghiệp xin dự án để trục lợi các mục đích khác chứ không đầu tư trồng rừng hoặc trồng cao su.

Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho rằng, trong quá trình triển khai khảo sát, lập dự án, một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, có những doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này xin dự án rồi mua bán, sang nhượng trái phép…

Ở huyện Ea H'leo, Đắk Lắk có 16 dự án được UBND tỉnh cấp phép đầu tư trồng cao su, trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên địa bàn, nhưng đến nay có 2 dự án của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty TNHH Lộc Phát đã không thực hiện đúng với mục tiêu đầu tư ban đầu của dự án phê duyệt.

Cụ thể, Lộc Phát được thuê gần 800ha đất rừng tại tiểu khu 104, 106 xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo để trồng rừng nhưng đã sang nhượng cho doanh nghiệp khác. Khi diện tích rừng trồng bị cháy gần 300ha mà không có lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời vì dự án sang nhượng chưa xây dựng phương án phòng chống cháy rừng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

Công ty Hoàng Nguyên xin chuyển một số diện tích dự án trồng cao su sang đầu tư kinh doanh.

 

Còn Công ty TNHH Hoàng Nguyễn được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 438ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 9 và 17, xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk để trồng cao su nhưng công ty chỉ trồng khoảng 50ha, còn lại xin chuyển đổi mục đích sử dụng để quy hoạch, xây dựng khu dân cư, thể thao, cây xăng…

Lý do doanh nghiệp này đưa ra vì hầu hết diện tích đất lâm nghiệp được thuê tại khu vực trên không thích hợp với cây cao su. Điều lộ rõ việc khảo sát, thăm dò trước khi lập dự án phê duyệt là chưa đúng đắn.

Theo thống kê, đến nay có 44 dự án trồng cao su, 41 dự án trồng rừng, cải tạo và quản lý bảo vệ rừng kết hợp với sản xuất, chăn nuôi được UBND tỉnh Đắk Lắk cho chủ trương và cấp phép triển khai nhưng ở các huyện không nắm hết được. Theo chính quyền các địa phương, khi có chủ trương khảo sát, đầu tư lập dự án các doanh nghiệp không báo cáo.

Chính vì mạnh ai nấy làm mà dẫn đến tình trạng rừng mất, đất rừng bị khai phá lấn chiếm trái phép dẫn đến tranh chấp, phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương. Cụ thể ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk có 20 dự án được giao đất cho doanh nghiệp trồng rừng và trồng cao su với tổng diện tích hơn 16.784ha nhưng hầu như dự án nào cũng có sự chồng lấn, xâm chiếm đất rừng.

Tình trạng đất rừng dự án bị xâu xé, lấn chiếm không chỉ xảy ra ở địa bàn huyện Ea Súp, mà hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk. Những bất cập ấy cho thấy việc giao đất, rừng cho doanh nghiệp một cách tràn lan mà thiếu thẩm định dự án, chọn lựa doanh nghiệp có năng lực thực sự và thiếu sự phối hợp giữa chủ rừng với chính quyền các cấp…

Vì thế, qua kiểm tra lại các dự án, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi chủ trương cấp phép khảo sát, thực hiện 25 dự án trồng rừng, trồng cao su của các doanh nghiệp không đủ năng lực, sang nhượng trái phép, không đáp ứng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com