Nhựa xốp phân hủy sinh học từ protein sữa và đất sét
15/11/2010
Hiện nay, lượng chất thải nhựa tích tụ tại các bãi rác trong thành phố ngày càng tăng đến mức báo động, cùng với đó là tình trạng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu để sản xuất nhựa. Do vậy, các nhà khoa học đã phát triển một chất liệu nhựa xốp phân hủy sinh học siêu nhẹ từ 2 thành phần không ai nghĩ đến: protein sữa và đất sét thường.
Tạp chí chuyên ngành Biomacromolecules của Hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS) cho biết vật liệu thay thế mới này có thể được sử dụng làm đệm bàn ghế, vật liệu cách nhiệt, bao gói và các sản phẩm khác.
David Schiraldi và các đồng nghiệp của mình giải thích rằng 80% protein có trong sữa bò là một chất gọi là casein, thường được dùng trong chế tạo keo dán và sơn giấy. Tuy nhiên casein không bền vững, có thể bị nước xả sạch một cách dễ dàng. Để tăng cường khả năng chịu nước của casein, các nhà khoa học đã pha trộn một lượng nhỏ đất sét với một phân tử hoạt tính gọi là glyceraldehyde, chức năng kết nối các phân tử protein của casein với nhau.
Sau đó hỗn hợp được sấy khô bằng hơi lạnh, loại bỏ hết nước, tạo thành aerogel nhẹ và xốp - một trong những chất rắn thay thế mỏng và nhẹ, thường gọi là “khói rắn” (solid smoke). Để tăng cường độ bền vững cho loại bọt mỏng này, các nhà khoa học đã lưu hóa trong lò, sau đó thử nghiệm độ cứng của chúng và kết luận rằng chúng đủ cứng để đưa vào mục đích sử dụng thương mại và có khả năng phân hủy sinh học nhanh chóng với tốc độ tự phân hủy gần 1/3 lượng chất thải trong 30 ngày.
Hoàng Minh
www.hoangminhco.com