Do giá mủ cao su đang ở mức rất cao cùng với chủ trương phát triển cao su tiểu điền của địa phương, thời gian qua tình trạng lấn chiếm đất để trồng cao su giữa người dân xã Ngok Réo với Cty TNHH lâm nghiệp Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đang diễn ra hết sức gay gắt.
Phá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất
Đưa cho chúng tôi tập danh sách các hộ dân lấn chiếm đất sản xuất và diện tích rừng bị phá có chữ ký và dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương xã Ngok Réo dày cộp từ đầu năm đến nay, ông Võ Sỹ Chung, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Đăk Hà ngao ngán: Chúng tôi đã làm hết sức, thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương truy quét nhưng tình hình người dân lấn chiếm đất rừng ngày càng gia tăng. Chỉ tính từ cuối năm 2010 đến hết tháng 6/2011, Cty đã lập được danh sách trên 50 hộ dân phá rừng, với diện tích lên tới gần 85ha bị chặt phá để lấy đất sản xuất, nghiêm trọng hơn trong số diện tích rừng bị chặt phá này có tới 24ha là rừng phòng hộ.
Ông Võ Sỹ Chung cho hay, tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất trên địa bàn Cty đang quản lý diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên thời gian người dân làm ồ ạt và không kiểm soát nổi là từ cuối năm 2010 đến nay. Chỉ tính riêng trong tháng 4 và tháng 5/2011, đã có 20 hộ dân lấn chiếm 34,41ha đất rừng của Cty.
Không chỉ những hộ dân trong xã Ngọc Réo mà còn rất nhiều hộ dân ở các xã lân cận khác cũng tham gia phá rừng để lấy đất trồng cao su. Tại biên bản kiểm tra ngày 11/6/2011 cho thấy, ông Nguyễn Phước Duy đã trồng cao su tại khoảnh 7, tiểu khu 364, xã Ngọc Réo với diện tích lên tới 4ha từ năm 2009, khi ông Duy đang tiến hành trồng dặm cao su tại diện tích này thì bị Cty phát hiện và lập biên bản.
Điều đáng nói, toàn bộ 24ha rừng phòng hộ bị xoá sổ tại tiểu khu 366 đã được Cty phát hiện vào cuối năm 2010, diện tích rừng này đã được Cty hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng với 7 hộ dân là đồng bào dân tộc tại xã Ngok Réo, trong đó hộ nhận khoán nhiều nhất là hộ ông A – Yon, thôn Kon Rốk với diện tích lên tới 10,9ha, hộ ông A – Hậu 3,8ha. Tuy nhiên đến nay Cty cũng như ngành chức năng vẫn chưa tìm ra những ai đã tham gia phá rừng phòng hộ nói trên.
Vì sao dân ồ ạt chiếm đất?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo, UBND huyện Đăk Hà đã có chủ trương phát triển cao su tiểu điền với tiêu chí mỗi hộ nông dân có 1ha cao su. Từ chủ trương này, huyện Đăk Hà đã có những chính sách ưu tiên và hỗ trợ vốn cho người dân trồng cao su. Tại xã Ngok Réo đã có 200 hộ gia đình được đăng ký vay, hỗ trợ vốn phát triển cao su tiểu điền với tổng diện tích 199,85ha.
Trước thực trạng tranh cướp đất đang diễn ra nóng bỏng tại Cty Lâm nghiệp Đăk Hà, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo UBND huyện Đăk Hà chủ trì phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Hà thành lập tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn xã Ngok Réo tuyên truyền, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn ngay tình trạng người dân lấn chiếm đất do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Hà quản lý để trồng cao su. |
Tuy nhiên theo ông Hồ Sỹ Chung thì một vấn đề mới nảy sinh là người dân không có đất trồng cao su cũng tham gia đăng ký. Trong tổng số diện tích trồng cao su thì chỉ có 88,85ha có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại 111ha đất mà người dân đăng ký trồng cao su đều nằm trong lâm phần do Cty đang quản lý, bảo vệ. Do không có đất, nhưng lại được vay và hỗ trợ vốn trồng cao su nên người dân đã tìm đến đất rừng của Cty để lấn chiếm trái phép trồng cao su.
Anh Hoàng Trung Dũng, cán bộ kỹ thuật Cty Lâm nghiệp Đăk Hà cho biết: Trước tình trạng người dân ồ ạt vào phá rừng lấy đất sản xuất, chúng tôi đã thường xuyên xuống từng thôn buôn tuyền truyền, vận động, giải thích với bà con không được lấy đất của Nhà nước, mặt khác chúng tôi còn tổ chức phối hợp với Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và trạm kiểm soát liên ngành tuần tra truy quét ngăn chặn và xử lý các hành vi chặt phá rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng.
Tuy nhiên, hiện nay không chỉ người dân địa phương tham gia phá rừng mà một số hộ dân địa phương các tỉnh khác cũng về đây lấn chiếm, sang nhượng trái phép nên tình hình ngày càng hỗn loạn, phức tạp.