Sẽ có sàn giao dịch cho các nước sản xuất cao su Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, có thể thiết lập giao dịch tại Đà Nẵng.
Thành lập mạng lưới các quốc gia thành viên sản xuất
cao su lớn trong khu vực Đông Nam Á để chủ động về giá cao su là một trong những nội dung chính của buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Petipong Pungbun Na Ayudhya ngày 12/3, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Petipong Pungbun Na Ayudhya, mong muốn Việt Nam tham gia cùng Thái Lan và các nước trong khu vực hình thành mạng lưới các nước thành viên tiến đến định hình thị trường, hình thành mức giá chung và giao dịch cao su trong khu vực, tránh để bị phụ thuộc vào giá cao su của các nước ngoài khu vực như hiện nay.
Trong những năm gần đây, giá cao su liên tục sụt giảm mạnh, thậm chí giá bán còn thấp hơn giá thành sản xuất, gây khó khăn cho ngành sản xuất cao su của các quốc gia và thiệt hại đối với người trồng cao su.
“Đã đến lúc các nước sản xuất cao su lớn cần lập thị trường cao su trong khu vực. Qua đó các nước sản xuất cao su chính có thể trực tiếp tác động để có được mức giá hợp lý cho thị trường cao su, đặc biệt là người trồng cao su. Nếu Việt Nam tham gia, tổng sản lượng cao su sẽ chiếm 70% sản lượng cao su toàn cầu,” một đại biểu trong đoàn công tác của Thái Lan cho biết.
Hiện nay, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã thống nhất thành lập mạng lưới này. Ngoài Việt Nam, ba nước cũng thống nhất mời thêm Lào, Campuchia, Myanmar để cùng hợp tác, quản lý giá cao su một cách công bằng.
“Như vậy, 7 nước sẽ quản lý được giá cao su mà chúng ta đặt ra. Giá cao su sẽ do các nước này định hình, có sàn giao dịch riêng cho các nước sản xuất cao su. Ở Việt Nam, có thể thiết lập giao dịch tại Đà Nẵng,” vị đại biểu Thái Lan trên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng cần phải phối hợp hành động để cải thiện tình hình thị trường, giúp ổn định cuộc sống của những người trồng cao su.
Việt Nam sẽ tham gia chặt chẽ hơn cùng với Thái Lan, Indonesia và Malaysia để có những hành động phối hợp cụ thể.
Trên tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cử cán bộ trao đổi kỹ hơn để đề xuất ra những giải pháp phù hợp không chỉ tác động về phía nguồn cung mà cả thị trường theo hướng tích cực, đảm bảo quyền lợi của nông dân.
Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã cùng nhau chia kinh nghiệm phát triển dự án đầu tư công-tư PPP trong lĩnh vực nông nghiệp.