Hotline: 0908961396

Tăng thuế xuất khẩu cao su cần một lộ trình phù hợp

15/03/2012
Tăng thuế xuất khẩu cao su cần một lộ trình phù hợp
Thanh tra – Từ ngày 08/12/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 145/2011/TT-BTC quy định áp dụng thuế xuất khẩu một số mặt hàng cao su với thuế suất từ 3% đến 5%. Trước đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị chưa nên thu thuế xuất khẩu cao su vì việc áp dụng thuế cần phải có lộ trình, thời điểm thích hợp, nếu không sẽ không khuyến khích được sự phát triển diện tích trồng cao su, gia tăng sản lượng trong thời điểm giá cao su luôn biến động như hiện nay. Sau 3 tháng áp dụng Thông tư 145, thực tế vẫn cho thấy, thuế xuất khẩu cao su được áp dụng trong thời kỳ giá cao su sụt giảm mạnh nên đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất cao su.

Việc giá cao su sụt giảm mạnh là do tác động của tình hình khủng hoảng nợ công tại châu Âu và thị trường cao su bị thu hẹp tại những nước tiêu thụ lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật do nhiều ngành công nghiệp phát triển chậm lại. Riêng Thái Lan, trước tình hình giá cao su giảm quá nhanh, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất, vào đầu năm 2012, Chính phủ Thái Lan đã lập nguồn vốn tín dụng 17 tỷ baht (tương đương 490 triệu đô-la) với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp mua trữ khoảng 200.000 tấn cao su. Nhờ vậy, đã có tác động giúp giá cao su không tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Mặt khác, nguồn cung cao su bị hạn chế do vào mùa khô, nên giá tăng nhẹ trong Quý I, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so cùng kỳ năm trước.

Giá cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt bình quân 2.800 USD/tấn, giảm 35% so cùng kỳ năm trước, trong khi giá thành bình quân là đến 2.700 USD/tấn. Do giá giảm mạnh nên tuy lượng xuất khẩu tăng gần 50% nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su lại giảm 7% so cùng kỳ năm trước.

Trong lúc thị trường tiêu thụ cao su bị thu hẹp, giá giảm và khó tăng trở lại như mức năm 2011, thì việc áp thuế trên cao su xuất khẩu làm doanh nghiệp Việt Nam giảm sức cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới. Nếu để giữ khách hàng thì không thể tăng giá, doanh nghiệp phải chịu giảm lợi nhuận hoặc phải mua nguyên liệu từ người trồng với giá thấp, do đó ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng cao su mà hiện nay trên 52% diện tích là nông hộ tiểu điền.

Cũng như các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác, cao su thiên nhiên là một trong những mặt hàng có giá cả biến động rất mạnh. Với chi phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài hơn 7 năm mới có thu hoạch và trên 15 năm mới hoàn vốn, trong suốt chu kỳ trồng đến khai thác hơn 30 năm, người sản xuất cao su gặp rất nhiều rủi ro do giá tăng giảm khó lường vì nhiều yếu tố tác động, như ảnh hưởng của tình hình kinh tế – chính trị của thế giới, giá dầu thô tác động đến giá cao su tổng hợp (là mặt hàng thay thế cao su thiên nhiên trong nhiều lĩnh vực), thời tiết thất thường, đầu cơ vào nông sản ngày càng tăng, tỷ giá thay đổi, lạm phát và chi phí đầu vào tăng dần…

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo trong năm 2012, kinh tế của thế giới còn nhiều khó khăn, ngành Cao su cũng không lạc quan vào sự tăng trưởng tiêu thụ cao su của ngành Ô tô và những ngành công nghiệp khác. Indonesia đến nay chưa thu thuế xuất khẩu vì đang trong quá trình khuyến khích mở rộng diện tích và tái canh với kỹ thuật tiến bộ. Malaysia hiện chỉ thu thuế cao su xuất khẩu ở mức 1% giá xuất khẩu và toàn bộ thuế được đầu tư cho nghiên cứu chuyển giao và tái canh. Thái Lan trước đây thu thuế xuất khẩu cao su là gần 1,2% giá xuất khẩu. Từ năm 2010, thuế xuất khẩu cao su tùy theo giá từ mức 2,5%, 3% đến 5% với mục đích tạo nguồn mua trữ cao su khi giá thấp dưới giá sàn và hỗ trợ tái canh, phát triển công nghiệp chế biến sâu.

Theo chúng tôi, việc thu thuế là cần thiết cho ngân sách quốc gia để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của cả nước, nhưng việc áp dụng thuế xuất khẩu trên các mặt hàng nông sản trong đó có cao su, cần có một lộ trình phù hợp để khuyến khích phát triển ngành và tạo công cụ hỗ trợ cho ngành khi giá suy giảm. Thuế xuất khẩu nên có những mức khác nhau tùy theo tình hình giá cả. Nếu giá bán gần bằng với giá thành, thuế xuất khẩu nên bằng 0. Nếu giá bán xuất khẩu cao hơn giá thành 20%, thuế xuất khẩu có thể là 1% và khi giá xuất khẩu hơn giá thành 50%, thuế xuất khẩu có thể là 2,5%… Việc sử dụng thuế xuất khẩu của ngành nào cũng cần có chính sách công khai về việc tái đầu tư một phần cho ngành để lập quỹ bình ổn giá, tham gia các tổ chức quốc tế bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tăng cường nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực…

Nếu có chính sách thuế xuất khẩu cao su với lộ trình hợp tình hợp lý, Hiệp hội Cao su Việt Nam chúng tôi sẵn sàng động viên, tuyên truyền, tôn vinh doanh nghiệp tích cực thực hiện nghĩa vụ về thuế và đồng thuận nhận thức đây là giải pháp để góp phần giúp ngành Cao su phát triển bền vững.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com