Làm thế nào để VRG khai thác hoàn thành kế hoạch 260.500 tấn mủ trong năm nay, là thách thức đặt ra ngay khi bước vào mùa cạo mới. Thách thức đó đến từ thiên tai. Đó là cơn bão số 1 ập đến ngay ngày đầu tháng 4 và đổ bộ vào khu vực miền Đông, nơi địa bàn cao su trọng điểm của cả nước, gây nên những thiệt hại lớn.
Theo thống kê, bão đã làm gãy đổ gần 400.000 cây cao su (chủ yếu là cao su khai thác) của các công ty: Hòa Bình, Đồng Nai, Bà Rịa, Bình Thuận, Dầu Tiếng. Khi các đơn vị này chưa khắc phục xong hậu quả nặng nề do cơn bão số 1 để lại, thì ngày 4/5, một cơn lốc xoáy đã làm gãy đổ hàng trăm nghìn cây cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong đó chịu thiệt hại nặng nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê với khoảng 200 ha cao su (quy đông đặc) bị hư hại không thể phục hồi.
Thiệt hại quy ra bằng tiền của cơn bão số 1 và lốc xoáy ở Gia Lai đối với diện tích cao su bị gãy đổ, lên đến hàng chục tỉ đồng. Nhưng đó là thiệt hại trước mắt và có thể tính liền được, còn thực tế nó còn để lại những hậu quả nặng nề khác mà các đơn vị cần mất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để khắc phục. Ngay cả người công nhân cũng bị “liên lụy”, bởi bỗng chốc họ bị mất phần cây, dẫn đến sản lượng và thu nhập đều sụt giảm.
Ngoài tai ương do “thần gió” thì năm nay bệnh phấn trắng vẫn diễn biến phức tạp tại một số đơn vị. Đơn cử như tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Quảng Trị, đến 30/4 vẫn có trên 50% diện tích cao su khai thác của công ty bị bệnh khô cành ngọn và bệnh phấn trắng nặng, chưa thể đưa vào khai thác. Việc mở cạo tại một số đơn vị khác như Kon Tum, Chư Păh…, cũng bị chậm và phải cạo cục bộ do vườn cây chưa sẵn sàng cho mủ bởi bệnh phấn trắng gây hại. Ngoài ảnh hưởng đến thời điểm mở cạo, xa hơn nó còn làm giảm năng suất, sản lượng của cả năm.
Tạm thời, VRG chưa có chủ trương điều chỉnh kế hoạch sản lượng của các đơn vị bị thiệt hại bởi bão số 1 và lốc xoáy. Nhưng rõ ràng đối với các đơn vị này, để hoàn thành kế hoạch sản lượng VRG giao cũng như kế hoạch phấn đấu, là hết sức nan giải. Đó là chưa kể, với tình hình thời tiết và khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, không loại trừ khả năng sẽ còn có những tác động bất lợi khác đến sản xuất nông nghiệp ngành cao su.
Do vậy, để khai thác hoàn thành kế hoạch 260.500 tấn mủ trong năm nay là thách thức không nhỏ đối với VRG. Đây có thể xem là nhiệm vụ trọng yếu, có tính chất quyết định đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm của Tập đoàn. Bởi sản lượng sụt giảm sẽ kéo theo doanh thu, tiền lương giảm, cũng đồng nghĩa với việc VRG không đạt được mức tăng trưởng 15% như Chính phủ giao.
Thách thức đó đòi hỏi mỗi CBCNV-LĐ tại mỗi đơn vị nói riêng và toàn Tập đoàn nói chung, cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của toàn Tập đoàn.