Hotline: 0908961396

Thách thức từ phòng trừ bệnh hại cây cao su

29/06/2012
Thách thức từ phòng trừ bệnh hại cây cao su
Cũng như các loại cây trồng nông nghiệp khác, bệnh hại tác động rất lớn đến việc thuần hóa cây cao su. Ngày nay đã có hơn 100 mầm bệnh được xác định có khả năng tấn công vào các vườn cao su. Tuy nhiên có 6 bệnh là tác nhân quan trọng làm giảm sản lượng cao su tại các quốc gia Đông Nam Á. Đó là các bệnh Olidium Leaf Fall (OLF), Corynespora Leaf Fall (CLF), Gloeosporium Leaf Fall (GLF), Phytophthora Leaf Fall (PLF), bệnh thối vỏ Bark Rot (BR) và bệnh rễ trắng White Root Disease (WRD).
Sự phân bố và mức độ trầm trọng của các bệnh này trong một quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào giống, địa hình, thời tiết, tiểu khí hậu và loài sinh lý của mầm bệnh hiện diện tại địa phương. Hiện nay bệnh rụng lá Nam Mỹ (SALB) vẫn còn là loại bệnh lá đáng sợ nhất ở khu vực này.

Trong các năm qua, tình hình nhiễm bệnh của các loại bệnh này đã thay đổi đáng kể. Các bệnh truyền thống như OLF, GLF, PLF và bệnh thối vỏ đã không còn ảnh hưởng lớn trong trồng cao su ở một số quốc gia. Nguyên do là đã có các giống chống chịu bệnh được nghiên cứu và đưa vào áp dụng. Tuy nhiên một số giống cao sản mới không chống chịu lại bệnh mới và các bệnh này lan truyền sang các giống truyền thống. Ví dụ như bệnh CLF lan rộng vào cuối những năm 1980 đã tấn công các giống RRIC 103 và RRIM 752.

Bởi vậy nhằm hướng đến phát triển cao su bền vững cần có các cách thức và phương tiện để các nhà trồng cao su, nhà nghiên cứu, nhà lai tạo giống có biện pháp khắc phục.

Sự phức tạp trong chẩn đoán

Sự phức tạp trong xác định triệu chứng trong một số bệnh hại quan trọng đã dẫn đến việc nhận định sai các bệnh của cây cao su. Nét độc nhất của corynespora cassiicola, tác nhân gây bệnh rụng lá Corynespora (CLF) là sự thay đổi trong phát sinh triệu chứng phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau. Sự đa dạng phát sinh triệu chứng này đã trở thành một hạn chế nghiêm trọng để xác định bệnh hại trên thực địa. Xu thế đó cũng xảy ra đối với các bệnh OLF, GLF, PLF, SALB, WRD và nhiều loại bệnh khác. Hệ quả là các nhà trồng trọt và cán bộ khuyến nông bị lúng túng trong việc xác định nguyên nhân mầm bệnh.

Loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật  hiệu quả

Thỉnh thoảng, các loại thuốc bảo vệ thực vật bị các cơ quan hữu quan khuyến cáo  loại bỏ do tính độc hại cao cho động vật có vú và nguy hiểm cho môi trường. Trên cơ sở này, các nhà bảo vệ thực vật phải thường xuyên và tích cực quan tâm đến việc chọn lọc các loại thuốc này.

Các nhận xét trái chiều khi tuyển chọn giống kháng bệnh

Thường các nhà bảo vệ thực vật kiểm tra các giống mới về mặt kháng bệnh qua nhiều giai đoạn trước khi đưa ra trồng đại trà. Và họ phải cẩn trọng khi đưa ra các giống mới vì nếu chỉ tuyển chọn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản có thể đưa đến các nhận xét sai lệch. Các đặc tính phụ ra hoa, hình thành vỏ…cũng đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện của giống mẫn cảm chống chịu bệnh ở cao su giai đoạn trưởng thành.

Sự xâm lấn của các mầm bệnh mới

Thách thức quan trọng nhất mà các nhà bảo vệ thực vật phải đối mặt là sự xâm lấn của các mầm bệnh mới. Ví dụ tiêu biểu cho thiệt hại nghiêm trọng do bệnh mới trong môi trường mới là bệnh rụng lá CLF phát tán vào những năm cuối thế kỷ 20. Các đợt dịch lây lan do xâm lấn của mầm bệnh mới có nguyên do từ các cây chủ khác hiện diện trong từng quốc gia, các quốc gia láng giềng và các lục địa khác. Việc kiểm soát bệnh sẽ phải tiến hành đều đặn và các nhà thực vật học phải theo dõi  đầy đủ về quản lý các mầm bệnh trong thế giới cao su.

Thách thức từ phun xịt thuốc trị bệnh

Kiểm soát bằng hóa chất là một công nghệ đã được chấp nhận rộng rãi trong quản lý các bệnh hại cao su từ đầu thế kỷ 20. Thách thức chủ yếu liên quan đến công nghệ này là chiều cao của cây cao su từ 20-30m, mật độ tán cao, các chi phí phát sinh trong mua sắm trang thiết bị phun xịt có công năng mạnh, chi phí khổng lồ cho thuốc phun, vùng đất không bằng phẳng, ô nhiễm môi trường và nguy hại đến sức khỏe.

Nhờ nỗ lực của các nhà lai tạo giống và các nhà bảo vệ thực vật, trong các quốc gia trồng cao su hàng đầu hiện nay đã đề nghị áp dụng giống kháng bệnh là cách hữu hiệu nhất. Xu thế tái canh hiện nay cho thấy rằng chỉ có các giống kháng bệnh mới được các nhà trồng tỉa chấp nhận. Giống RRIC 100, giống lai tạo nổi tiếng của Sri Lanka được biết đến do có các gen chống chịu bệnh hiện nay được sử dụng rộng rãi trong các chương trình lai tạo tại các quốc gia trồng cao su để chuyển tính kháng bệnh cho các giống truyền thống cao sản.

Biến đổi khí hậu - Mối đe dọa mới

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa mới do thời tiết đóng vai trò quan trọng trong phát triển và phát tán bệnh hại cho cây cao su. Các dẫn chứng từ xưa đã được nhìn thấy như đối với các bệnh rụng lá OLF, GLF, PLF, South American LF, thối vỏ và WRD kể từ giữa thế kỷ 20. Hiện nay cũng đã có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về ảnh hưởng của thời tiết đối với bệnh rụng lá CLF, một loại bệnh nguy hiểm có nguồn gốc mới đây.
Thành Hiệp
www.hoangminhco.com