Hotline: 0908961396

Tình hình xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 6 tháng đầu năm 2012

25/07/2012
Tình hình xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 6 tháng đầu năm 2012
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 6 đạt được 60.358 tấn, giá trị đạt 170,44 triệu đô-la Mỹ, giá bình quân đạt 2.824 USD/tấn, so với tháng trước giảm 19,7% về lượng, giảm 27,5 % về giá trị và giảm 9,7 % về giá, còn so với cùng kỳ năm trước, tăng 7,4 % về lượng, nhưng giảm đến 30,6 % về giá trị và giảm 35,4 % về giá bình quân.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 402.502 tấn cao su thiên nhiên, giá trị hơn 1,2 tỷ đô-la Mỹ, tăng mạnh về lượng, khoảng 39,3 % nhưng lại giảm về kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,3% và giá bình quân đạt 3.001 USD/tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cao su thiên nhiên xuất khẩu đã tăng từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2012 khi nguồn cung hạn chế vì cây cao su ngưng khai thác trong thời kỳ rụng lá vào mùa khô. Sau đó, khi cây được khai thác trở lại, giá sụt giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 6/2012. Giá (FOB) của chủng loại SVR 3L bình quân trong tháng 1 đạt 3.228 USD/tấn, đến tháng 3 là 3.628 USD/tấn nhưng đến tháng 6 chỉ còn 3.079 USD/tấn.

Những nguyên nhân đã tác động làm giá cao su sụt giảm là:

-  Nguồn cung tăng khi cây cao su được trở lại vào đầu mùa mưa.

- Nhu cầu tiêu thụ cao su suy giảm do khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài làm suy yếu nền kinh tế của khu vực này, thu hẹp mức tiêu thụ cao su của ngành sản xuất lốp xe và một số ngành công nghiệp khác.

- Tăng trưởng kinh tế chậm tại những nước tiêu thụ nhiều cao su như Trung Quốc, Hoa Kỳ , Ấn Độ đã làm nhu cầu cao su trở nên yếu.

- Nguồn dự trữ tại các kho ở Trung Quốc còn khá cao nên Trung Quốc ưu tiên sử dụng nguồn này và hạn chế nhập khẩu trong những thời điểm giá cao.

- Giá dầu thô thấp làm giá cao su thiên nhiên khó tăng vì sự cạnh tranh của cao su tổng hợp (là sản phẩm từ dầu thô và có thể thay thế cao su thiên nhiên).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam vẫn là Trung Quốc, với lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 là 210.231 tấn, chiếm thị phần 52,2% về lượng và 47,7 % về giá trị, đạt 576,2 triệu đô-la Mỹ. Thị phần xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã giảm so với mức 61,4% của năm 2011. Đáng lưu ý là lượng cao su xuất sang Trung Quốc vào tháng 6 là 21.147 tấn, trị giá 50,73 triệu đô-la, đã giảm 49% về lượngvà 59% về giá trị so với tháng 5/2012.

Thị trường Malaysia xếp thứ hai, đạt 64.737 tấn, chiếm 16,1% về lượng và 17,4% về giá trị, đạt 209,7 triệu đô-la. Thị trường Hàn Quốc đạt 19.024 tấn (4,7%), giá trị đạt 59,6 triệu USD (4,9%). Thị trường Đài Loan đạt 154,7 ngàn tấn (4,3%), trị giá 51,3 triệu USD. Thị trường Ấn Độ đạt 17.080 tấn (4,2%), trị giá 59,16 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm, giá cao su thiên nhiên đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, giảm hơn 30%, do tình hình kinh tế vẫn còn suy yếu ở nhiều nơi trên thế giới.

Trước tình hình giá giảm sâu trên 30% và nhu cầu tiêu thụ cao su yếu trên toàn thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng để mở rộng thị trường, tăng lượng xuất khẩu nhằm đạt kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam không giảm nhiều.

Trong 6 tháng cuối năm 2012, nguồn cung sẽ tăng nhanh do cây cao su ở các nước đã vào mùa khai thác. Với tình hình kinh tế thế giới tuy phục hồi nhưng tăng trưởng chậm, tiêu thụ cao su được dự báo vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm và sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ gay gắt hơn.

ThànH Hiệp
www.hoangminhco.com