Khi những cánh rừng cao su còn chưa vươn cao, người ta có thể tận dụng những vùng đất trống để có thể sử dụng vào việc trồng xen các loại cây hoa màu, cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập.
Nhưng trồng dưa hấu xen vườn
cao su, dường như là một cách làm mới. Trong một lần vào vùng trồng mới cao su ở xã Ia Lâu và Ia Mơr, huyện Chư Prông của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, chúng tôi đã có dịp được chứng kiến những hộ gia đình từ vùng quê xa xôi của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến trồng dưa hấu trên những lô cao su vừa trồng trong năm 2012.
Anh Bùi Trung Chức – Tổ trưởng Tổ trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê tại vùng dự án này, cho hay: “Hiện toàn vùng dự án có khoảng 40 hộ đăng ký xin trồng dưa trong cao su, với diện tích khoảng 40 ha, bình quân mỗi hộ khoảng một ha, trồng nhiều nhất là vùng Ia Lâu. Hầu hết họ đến từ Bình Định, Phú Yên”. Anh Nguyễn Văn Quang - một chủ vườn dưa ở đây, cho biết thêm: “Có chừng 100 người từ Tây Sơn lên đây trồng dưa với khoảng gần 200 ha. Hầu hết họ đều trồng dưa trái vụ để có thể cho thu nhập cao”. Cũng theo anh Quang, hầu hết các hộ sử dụng loại giống dưa dấu có tên rất mỹ miều của VN: Thái Mỹ Nhân.
Người xưa vẫn thường nói “Dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen“. Vì thế những người đến trồng dưa nơi đây cũng chỉ được một vụ rồi chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, với dưa một vụ trúng cũng là một chuyện đáng mừng đối với người nông dân. Anh Phạm Hữu Phước, quê ở An Nhơn (Bình Định), cho hay: “Nếu vụ nào được giá từ 5.000 đồng/kg thì mới có lời, còn từ 4.000/kg trở lại thì lỗ. Mỗi hec-ta đầu tư khoảng 120 triệu đồng. Nếu được mùa và được giá thì cũng thu về koảng 100 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí”.
Nói về việc cho phép trồng dưa xen vườn cao su kiến thiết cơ bản, anh Bùi Trung Chức, cho hay: “Nếu tất cả diện tích cao su trồng mới của công ty có đủ điều kiện để người dân chọn trồng dưa, thì công ty rất ủng hộ và tạo điều kiện để bà con có thể canh tác trên những lô cao su mới trồng. Điều này vừa có lợi cho người trồng dưa, vừa có lợi cho diện tích cao su của công ty”.