Thương nhân Trung Quốc chuyển về mua hàng tại các kho ngoại quan trong nước. Ở thị trường mậu biên, giao dịch tiếp tục bị đóng băng và giá giảm về 20.500 NDT/tấn.
Thị trường cao su vật chất châu Á những ngày đầu năm 2012 khá trầm lắng bởi sự vắng mặt của các khách hàng Trung Quốc – người mua lớn nhất trên thị trường.
Theo giới thương nhân, các hợp đồng trao tay được thực hiện rất ít. Giá cao su tấm hun khói RSS3 của Thái Lan chỉ dao động quanh 3,33 – 3,35 USD/kg kể từ ngày 4/1 tới nay. Giá cao su khối SIR20 của Indonesia thì ở mức 1,48 USD/lb (1lb = 0,454 kg).
Một thương nhân tại Tokyo cho biết, các khách hàng Ấn Độ mua hàng nhiều hơn trong những ngày qua còn phía Trung Quốc lại vắng mặt. Được biết, thương nhân Trung Quốc đang trở về mua cao su từ các kho ngoại quan trong nước do dự trữ tăng mạnh.
Mới đây, trong một báo cáo, Hiệp hội Các quốc gia Sản xuất Cao su (ANRPC) nhận định nhu cầu cao su thế giới sẽ đi xuống trong quý 1/2012 do ảnh hưởng của nợ công châu Âu. Sản lượng trong khi đó có thể tăng 3,1% so với năm trước.
Ở thị trường trong nước, giá cao su tuần qua tăng giảm trái chiều, hoạt động giao dịch có phần sôi động hơn đôi chút. Giá cao su SVR CV và SVR L giảm 400 đồng/kg, trong khi loại SVR 10 và SVR 20 giá tăng 100 đồng/kg.
Ở thị trường mậu biên, giao dịch cao su tạicửa khẩu Móng Cái – Đông Kinh vẫn tiếp tục bị đóng băng do nhu cầu của đối tác Trung Quốc chững lại, cộng với các biện pháp siết chặt giao dịch của phía cơ quan quản lý nước này. Giá cao su SVR3L được chào bán quanh mức 20.500 NDT/tấn, mất 800 NDT so với thời điểm cuối năm 2011. Một số nhà giao dịch cho rằng, phía Trung Quốc sẽ quyết tâm đóng cửa thị trường tiểu ngạch nhằm chuyển sang xuất nhập khẩu chính ngạch ở cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu, với mục đích tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực này. Một số khác thì cho rằng, thị trường sẽ sôi động trở lại sau Tết Nguyên đán.
Giá mủ cao su tự nhiên dạng nước, loại 32 độ/kg tại Bình Phước ở quanh 17.900 – 18.000 đồng/kg.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết, cả nước đã thu về 3,1 tỷ USD từ 800.000 tấn cao su xuất khẩu trong năm 2011, tăng 2,2% về lượng và 31% về giá trị so với năm 2010, cũng là mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu cho xuất khẩu cao su từ Việt Nam, chiếm 60% tổng sản lượng cao su xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng 70% của năm 2010.
Hiện tại, cả nước có khoảng 740.000 hecta cao su, chủ yếu ở phía Nam. Việt Nam đang đứng thứ 5 trên thế giới về trồng cao su, chỉ sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu 800.000 hecta trồng cao su đến năm 2015, và sản xuất hơn 1,2 triệu tấn cao su tự nhiên mỗi năm tính đến 2020. Dự kiến năm 2012, xuất khẩu cao su sẽ đạt trên 880.000 tấn.
Giá cao su trong nước tuần qua:
ĐVT: đồng/kg, FOB
Chủng loại |
Giá tuần đầu năm 2012 |
So với tuần cuối năm 2011 |
SVR CV |
71.000 – 71.800 |
-400 |
SVR L |
69.100 – 69.800 |
-400 |
SVR 5 |
67.500 |
0 |
SVR GP |
67.200 |
-100 |
SVR 10 |
66.200 – 66.900 |
+ 100 |
SVR20 |
66.100 – 66.800 |
+ 100 |