Hotline: 0908961396

Xuất khẩu cao su cần giữ chữ tín

04/05/2012
Xuất khẩu cao su cần giữ chữ tín
Hiệp hội cao su Việt Nam mới đây đã kiến nghị với Bộ Công Thương sớm đưa ra quy định ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên.

Kiểm soát chặt để giữ uy tín

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về đề xuất này, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư kí Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: Lí do khiến Hiệp hội đưa ra kiến nghị này trước hết là muốn đảm bảo chất lượng của cao su thiên nhiên Việt Nam. Nếu không kiểm soát được chất lượng thì cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị các doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá thấp và trả giá thấp.

Trên thực tế, trong năm 2011, hoạt động xuất khẩu cao su đã gặp phen “sóng gió” trước thông tin cao su Việt Nam bị pha tạp chất. Một số doanh nghiệp đã phải mang hàng về vì gặp phải tình trạng chất lượng cao su sơ chế không đảm bảo tiêu chuẩn như hợp đồng đã ký, lẫn tạp chất cao. Còn doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng, yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải kiểm phẩm kĩ càng.

“Nhiều khách hàng nêu lí do chất lượng cao su Việt Nam không đồng đều nên họ yêu cầu giá thấp hơn thị trường thế giới 2 - 5%. Trước năm 2000, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 200-300 nghìn tấn cao su/năm, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 1 triệu tấn, sắp tới phấn đấu lên 1,5 triệu tấn thì thiệt hại do giảm giá sẽ là rất lớn”.

Kiến nghị của Hiệp hội Cao su Việt Nam còn nhằm mục tiêu yêu cầu doanh nghiệp có nguồn hàng ổn định để giữ uy tín thương mại. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su vẫn thường xuyên để xảy ra tình trạng giao hàng không đúng hạn, không đúng lượng do không chủ động được nguồn hàng, lệ thuộc nhiều vào nhà cung cấp khác.

Bên cạnh đó, trong những năm qua số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cao su đã tăng lên rất nhanh chóng. Theo số liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam, nếu như năm 2005 mới có 100 doanh nghiệp xuất khẩu cao su thì đến năm 2011 đã tăng lên 290 doanh nghiệp. Trong số đó, có 40-50 doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 1-2 container/năm, khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu với khối lượng ít hơn 500 tấn/năm.

“Với số lượng giao dịch nhỏ như vậy thì sự quan tâm, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu có thể không cao” – đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, một trong những tiêu chí để có thể đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên là những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải có phòng kiểm phẩm đủ năng lực hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng để đảm bảo khâu kiểm tra chất lượng và cấp giấy chứng nhận kiểm phẩm cho tất cả các lô hàng. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn hàng, đối với doanh nghiệp không có vườn cây, nhà máy, thì cần có những hợp đồng ký kết dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Xuất khẩu cao su vẫn lãi

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I-2012, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,15 ngàn tấn, tăng gần 30%, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 623,88 triệu đôla. Nguyên nhân là giá cao su xuất khẩu giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, quý I năm trước, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu tăng cao là do nhiều yếu tố tác động, chủ yếu từ đầu cơ, lạm phát, chính sách kích cầu vượt mức cần thiết... Quý I năm nay, giá cao su khó tăng đột biến vì lượng tồn kho tại Trung Quốc còn quá lớn (180.000 - 200.000 tấn). Tuy nhiên, giá cao su cũng khó giảm sâu vì nguồn cung hạn hẹp vào mùa cây cao su thay lá và nhờ chính sách mua trữ cao su của Thái Lan khi giá quá thấp.

Nhận định về việc giá cao su thiên nhiên xuất khẩu giảm, bà Trần Thị Thúy Hoa cho rằng: Nếu so với năm 2011 thì đúng là giá cao su xuất khẩu đã giảm mạnh (trên 30%). Tuy nhiên so với những năm vừa qua thì giá cao su xuất khẩu vẫn đạt mức khá cao.

So với giá thành, cao su xuất khẩu vẫn là mặt hàng xuất khẩu có lãi. Ngoài ra, lượng xuất khẩu tăng chứng tỏ nhu cầu thị trường vẫn tăng.

Thành Hiệp
www.nhuakythuat.com