Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, cao su thiên nhiên của Việt Nam được xuất khoảng 75 ngàn tấn, trị giá 327 triệu đô-la, giảm 7,6% về lượng và giảm 5% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su trong tháng 9 giảm 8% về lượng nhưng nhờ giá cao hơn khoảng 47% nên kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn 36%.
Giá cao su SVR 3L bình quân trong tháng 9 là 4.452 USD/tấn, giảm 2,6% so với tháng trước.
Đến hết tháng 9, Việt Nam đã xuất được khoảng 525 ngàn tấn, trị giá 2,27 tỷ đô-la, tăng 2,4 % về lượng và tăng 60% về trị giá.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 65% và phương thức xuất tiểu ngạch qua mậu biên vẫn chiếm tỷ lệ lớn, gần 50%, nên những chính sách quản lý mậu biên của Trung Quốc tác động lớn đến lượng xuất khẩu và giá cao su.
Từ đầu tháng 8/2011 kéo sang tháng 9, Trung Quốc áp dụng những biện pháp hành chánh nhằm hạn chế doanh nghiệp nhập khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam qua cửa khẩu Lục Lầm (Móng Cái) và La Phù (Đông Hưng, Quảng Tây), làm giảm đáng kể lượng cao su xuất khẩu đường tiểu ngạch và giá cao su giảm xuống nhanh còn dưới 27.000 NDT/tấn vào cuối tháng 9.
Theo một số doanh nghiệp, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc năm 2011 vẫn cao, tuy nhiên, việc ngân hàng Trung Quốc việc ngân hàng Trung Quốc không cấp hối phiếu cũng làm cho giao dịch hai bên bị hạn chế. Để có hối phiếu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận trả phí dịch vụ khá cao.
Dù doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách tăng cường xuất khẩu chính ngạch, nhưng xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm thị phần quan trọng do khách hàng chọn phương thức này để được giảm thuế nhập khẩu.
Trong tình hình này, nếu Bộ Tài chính Việt Nam giảm bớt thủ tục hối phiếu trong hồ sơ xuất khẩu cao su sẽ giúp doanh nghiệp giảm được một phần khó khăn trong giao dịch cao su qua tiểu ngạch.