Chỉ thun cao su là sản phẩm được chế biến từ cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, chủ yếu để làm phụ liệu trong ngành dệt may. Trong những năm qua, chỉ thun cao su đã tăng mức tiêu thụ liên tục theo đà tăng trưởng của ngành may mặc VN và ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu.
Những năm trước đây, do sản lượng chỉ thun cao su trong nước còn quá ít, VN đã phải nhập khẩu từ nước ngoài với kim ngạch tăng vọt. Năm 2005, kim ngạch nhập khẩu chỉ thun chỉ là 4,4 triệu USD thì đến năm 2010 là 11,29 triệu USD và năm 2011 giảm nhẹ còn 10,4 triệu USD nhờ một phần được cung ứng từ nguồn sản xuất trong nước. Thị trường nhập khẩu chỉ thun của VN năm 2011 chủ yếu là Thái Lan (44%), Malaysia (43%), Hàn Quốc (6%) và Đài Loan (2%). Hiện nhu cầu về sản phẩm chỉ thun dạng tròn ở thị trường VN khoảng 30.000 tấn/năm dùng cho công nghiệp phụ liệu ngành may mặc như: thun quần short, thun quần lót, áo lót, cổ vớ… hoặc ngành sản xuất ghế sô pha dùng lót đáy ghế để tạo độ nhún.
Từ năm 2011, sản lượng chỉ thun cao su tại VN đã tăng trưởng đáng kể sau khi nhà máy chỉ thun của Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk đi vào hoạt động. Công ty này có vốn đầu tư là 170 tỷ đồng và công suất là 4.000 tấn sản phẩm hàng năm, được Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đảm bảo nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên. Sản phẩm của nhà máy là sợi chỉ thun dạng tròn phục vụ cho thị trường phụ liệu ngành may trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa, sản phẩm chỉ thun cao su đã tăng trưởng đáng kể về xuất khẩu làm góp phần giảm nhập siêu sản phẩm cao su. Hiện có đến 90% lượng chỉ thun sản xuất ở VN được xuất khẩu. Năm 2011, nước ta đã xuất khẩu được 2,19 triệu USD mặt hàng này, tăng gần 4 lần so với năm 2010 (593.000 USD), chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc (73%), Hàn Quốc (13%) và Campuchia (5%). Trong đó, Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk chiếm 70% thị phần (hơn 1,6 triệu USD). Ngoài ra, nguồn cung cao su thiên nhiên bị giới hạn ở Malaysia – thị trường lớn sản xuất và xuất khẩu chỉ thun cũng là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước.
Nghiên cứu tình hình thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu nhiều về thị trường sản phẩm chỉ thun làm bằng cao su thiên nhiên, VRG đã thực hiện dự án sản xuất chỉ sợi cao su thiên nhiên. Dự án này gồm có 5 đơn vị hợp tác, đó là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Công ty CP Cao su Bến Thành (BERUBCO), Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và VRG. Đây là một mô hình hợp tác khép kín, từ khâu cung cấp nguyên liệu của VRG, đến bên bảo đảm kỹ thuật, con người của CNS, cuối cùng là bảo đảm sản phẩm đầu ra bên VINATEX, với tổng vốn đầu tư trên 260 tỷ đồng.
Ngọc Cẩm
THÁI LAN SẮP NHẬP KHẨU CAO SU
Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử sẽ phải nhập khẩu cao su để đáp ứng nhu cầu giao hàng khi mà nguồn cung trong nước khan hiếm bởi mưa thất thường.Chủ tịch Hiệp hội cao su Thái Lan, Prapas Uernontat, cho biết: “Chúng tôi sẽ nhập khẩu cao su tấm từ sàn TOCOM để thực hiện những hợp đồng giao gần”.
Ông không nói chính xác khối lượng nhập khẩu sẽ là bao nhiêu, nhưng cho biết sẽ tương đương lượng dự trữ của Nhật hiện nay, tức là khoảng 15.000 tấn, và thêm rằng giá cao su tại TOCOM gần đây giảm mạnh đã xuống đến mức đáng để nhập khẩu.