Ước 6 tháng đầu năm xuất khẩu hồ tiêu đạt 101.000 tấn, so với cùng kỳ, tăng 13% về sản lượng nhưng giảm 13% giá trị...
“Năm 2017, ngành hồ tiêu đặt mục tiêu xuất khẩu 180.000 tấn. Ước 6 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 101.000 tấn, so với cùng kỳ, tăng 13% về sản lượng nhưng giảm 13% giá trị", ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Intimex Group, cho biết.
“Khi
thị trường xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, các nước nhập khẩu sẽ tìm cách kéo giảm giá xuống, Việt Nam chiếm đến 60% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu nên khó tránh khỏi ảnh hưởng”, ông Nam cho biết thêm.
Vào vụ thu hoạch rộ, để trang trải chi phí, người nông dân cần bán ra một lượng lớn khiến giá hồ tiêu trên thị trường sụt giảm mạnh, dẫn đến một nghịch lý: càng rớt giá người nông dân càng “sốt ruột” muốn bán ra nhanh hơn.
VPA kêu gọi tạm dừng việc bán ra
Trong tháng 5, 6/2017, giá hồ tiêu tụt dốc chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg. Trước tình hình này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) kêu gọi bà con tạm ngừng bán ra, nhờ vậy, giá hồ tiêu đã có dấu hiệu tăng trở lại (khoảng trên 80.000 đồng/kg).
“Nếu bà con tiếp tục duy trì dừng bán ra trong vòng 1 - 2 tháng nữa, thị trường chắc chắn sẽ rất vững trở lại”, ông Đỗ Hà Nam khẳng định.
Có hai nguyên nhân khiến giá hồ tiêu đổ dốc. Đó là, sản lượng niên vụ 2016-2017 tăng khoảng 15%; và có khoảng 20.000 tấn hồ tiêu của nông dân Campuchia bán vào Việt Nam, đã tạo thêm áp lực lên thị trường.
Vấn đề lớn nhất của ngành hồ tiêu là diện tích tăng quá lớn, cần phải dừng lại. Nếu diện tích cứ tiếp tục tăng như hiện nay thì trong tương lai có thể giá hồ tiêu sẽ còn giảm sâu hơn nữa, vì cung càng vượt cầu.
Để giảm bớt rủi ro, VPA đã khuyến cáo, nông dân không nên trồng hồ tiêu trên những đất không phù hợp cần chuyển đổi sang cây trồng khác, tại các vườn tiêu hiện có nên trồng xen canh vài loại cây trồng khác để đa dạng thu nhập.
Dù đã được ngành chức năng và VPA khuyến cáo, nhưng diện tích cây tiêu cứ tiếp tục mở rộng. Bởi nếu so với cây cà phê chỉ thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/hecta, thì cây tiêu dù có xuống 70.000 đồng/kg, với năng suất thấp 3- 5 tấn/hecta, thì nông dân vẫn thu về ít nhất là 240 triệu đồng/hecta; còn nếu năng suất tăng lên 7-10 tấn/hecta thì thu nhập sẽ cao hơn gấp 2 lần, nhưng chi phí đầu tư chỉ tương đương nhau. Đó là lý do nông dân tiếp tục mở rộng diện tích.
Chi phối thị trường toàn cầu
Tổng nhu cầu hồ tiêu thế giới khoảng 300.000 tấn/năm, Việt Nam có thể đáp ứng 180.000 tấn/năm, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu, 120.000 tấn còn lại thuộc về các nước.
Hiện các nước mới vào vụ còn Việt Nam thì đã thu hoạch xong. 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam ước xuất khẩu đạt 101.000 tấn hồ tiêu, 80.000 tấn còn lại nếu Việt Nam ngưng xuất khẩu thì thị trường thế giới sẽ không có hàng lấp vào khoảng trống này, và như vậy giá hồ tiêu sẽ có cơ hội tăng trong thời gian tới.
Tuy chi phối thị trường toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn chưa làm chủ được “cuộc chơi”, bởi ngoài diện tích tăng nóng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề rất đáng quan ngại của hồ tiêu Việt Nam.
Cụ thể, để Xuất khẩu đi Liên minh châu Âu (EU) 40.000 tấn hồ tiêu sạch, doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu 22.000 tấn tiêu sạch từ Campuchia, Malaysia, Indonesia để chế biến và tái xuất.
Và tương tự, nếu để bán tiêu vào thị trường
Nhật Bản, các nhà máy của doanh nghiệp Nhật đặt tại Việt Nam cũng phải nhập khẩu tiêu nguyên liệu để chế biến và tái xuất đi Nhật.
Tuy trong nước cũng có tiêu sạch nhưng do trước đây tại thị trường EU đã xảy ra vấn đề dư lượng hóa chất, nên để giữ được thị trường EU, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu tiêu sạch để chế biến.
“Một điều đáng lưu ý, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ được đẩy lên khi xảy ra tình trạng cung vượt cầu, và đây chính là rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu lợi dụng để ép chúng ta, còn về mặt thị trường vẫn có nhu cầu để tăng sản lượng xuất khẩu”, ông Nam tin tưởng.
Để có nguồn tiêu sạch, các doạnh nghiệp của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI đã triển khai các mô hình liên kết với các hộ nông dân nhằm tạo ra vùng nguyên liệu sạch, cùng với điều kiện “nếu tiêu của nông dân đạt chuẩn tiêu sạch, doanh nghiệp sẽ mua với giá cao”.
Theo các chuyên gia, về cơ bản đây là việc làm tốt, nhưng vẫn có một số hộ vì không đủ sản lượng nên đã mua thêm tiêu bên ngoài, thế là lại “dính” dư lượng hóa chất, khiến các doanh nghiệp FDI không thể hiểu tại sao họ quản lý vườn tiêu rất chặt chẽ nhưng vẫn bị vượt dư lượng hóa chất cho phép. Đó là khó khăn lớn cho các nhà xuất khẩu và nhà quản lý.
Hiện ngành hồ tiêu đang từng bước giúp người nông dân hiểu, đẩy mạnh trồng tiêu hữu cơ, năng suất có thể thấp, chỉ từ 3-5 tấn/hecta nhưng giá bán cao và thị trường ổn định. Đồng thời, cùng với nông dân từng bước xây dựng các tổ hợp tác, tổ liên kết hoặc hợp tác xã như vậy sẽ giải được bài toán tiêu sạch...