Các doanh nghiệp lo ngại nhất từ nay đến cuối năm là giá cao su có bật lên không, sau khi lao dốc mạnh và ì ạch suốt những tháng qua.
Vấn đề này càng trở nên “nặng gánh” khi đang vào cao điểm mùa khai thác mủ và quý IV là quý có tính chất quyết định “thành – bại” của các doanh nghiệp sản xuất
cao su.
Như vậy, có thể nói, sự phục hồi và khởi sắc hay không của những nền kinh tế nói trên sẽ quyết định đến nhu cầu tiêu thụ và diễn biến giá cao su tự nhiên trong những tháng cuối năm.
Đến nay, chỉ có vài dấu hiệu cho thấy tình hình có thể được cải thiện, thị trường sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Thế nhưng các chuyên gia đầu ngành vẫn không dám đưa ra dự báo cụ thể rằng giá cao su có hồi phục hay không, và nếu có thì ở mức nào.
Những dự báo bi quan thì cho rằng, từ nay đến hết năm, giá cao su sẽ chưa thể phục hồi, khi nền kinh tế Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang chậm lại.
Ngược lại, cũng có những dự báo khá lạc quan về thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên. Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đang mở rộng nhập khẩu mặt hàng này để bổ sung kho dự trữ. Thêm vào đó, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ kiên trì chính sách nới lỏng tiền tệ cũng sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường tích cực. Đặc biệt, các chuyên gia dự báo giá cao su trên toàn thế giới sẽ tăng do Ấn Độ tăng cường nhập khẩu cao su nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước (dự đoán trong quý III sẽ tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước).
Giá cao su có thể còn được hỗ trợ bởi sự can thiệp từ các nước sản xuất cao su nhằm cân bằng cán cân cung – cầu (theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế, lượng cung cao su tự nhiên toàn cầu năm nay là khoảng 11,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu là 11,2 triệu tấn). Đó là giảm bớt cường độ khai thác, kìm hãm đà tăng sản lượng bằng cách tăng cường thanh lý vườn cây già cỗi...
Không những vậy, 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm 70% nguồn cung toàn cầu) đang xem xét thiết lập cơ chế hữu hiệu để hạn chế bán cao su ra thị trường nhằm bình ổn giá và giảm thiểu thiệt hại cho các nông hộ trồng cao su.
Tuy vậy, đây cũng là những giải pháp mang tính đối phó và nhất thời. Chỉ khi nào nền kinh tế toàn cầu (nhất là Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản…) thoát khỏi suy thoái, mới hi vọng nhu cầu tiêu thụ cao su tăng, tạo đà cho giá bán khởi sắc.