Trong thời gian gần đây, theo phản ảnh của một số Hội viên về việc mủ cao su bị pha trộn bột trắng lạ làm giảm chất lượng, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã nhờ Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam phân tích tìm cách phát hiện chất này để hướng dẫn các nhà máy không thu mua nguồn mủ cao su kém chất lượng.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện, chất bột này pha trộn vào mủ cao su gây giảm chất lượng mủ sau sơ chế, có thể rớt xuống đến hạng “ngoại lệ” vì hàm lượng tro cao 4-10 lần so với mủ bình thường, còn chất bẩn cao hơn 2-4 lần và chỉ số duy trì độ dẻo (PRI) giảm 10-16 đối với mủ khối.
Chất bột trắng này làm tăng độ TCS (tổng hàm lượng chất rắn) của mủ cao su nên người bán sẽ được tăng lợi nhuận từ 8 – 15%, còn nhà máy sẽ bị hao hụt lượng cao su khô sau sơ chế gây thiệt hại về tài chính đáng kể.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đối với mủ ly tâm, bột trắng này làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm xác định hàm lượng Ma-nhê (Mg), ảnh hưởng đến chất lượng cao su ly tâm vì tăng KOH và giảm MST.
Với cao su kém chất lượng, doanh nghiệp nếu không phát hiện được, sẽ bị mất uy tín nghiêm trọng đối với khách hàng.
Theo Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, chất bột trắng này rất khó nhận biết qua ngoại quan (nhìn, ngửi, sờ…). Để nhận diện được chất này, có những cách sau:
- Khi thu mua mủ từ các thương lái hoặc tư nhân, nhà máy nên tìm cách trì hoãn thời gian tiếp nhận; vì nếu mủ bị độn bởi hóa chất này thì sau 3 giờ mủ sẽ biến màu, chuyển từ trắng sang tím và có sự đông kết cục bộ (vón cục).
- Nếu có máy ly tâm, có thể đưa mẫu mủ vào ly tâm với tốc độ thấp nhất (4.000 vòng/phút) trong thời gian 5 phút:
+ Sau khi ly tâm, nếu mủ có sự phân lớp rõ ràng (2 màu, trắng và vàng hoặc trắng phần trên, phần giữa màu trong suốt dưới cùng màu trắng đục) là mủ không có trộn hóa chất này.
+ Nếu sau ly tâm dung dịch mủ không có sự phân lớp rõ ràng là mủ đã bị pha trộn hóa chất này.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, để phát hiện bột trắng này, có thể tiến hành theo cách sau:
+ Lấy 50 ml mủ cao su cho vào cốc (ly) đáy bằng, cho vài giọt acid clohydric (HCl) hoặc acid axetic (CH3COOH) dung dịch 50% vào cốc để mủ đông lại hoàn toàn.
+ Lấy muỗng (thìa) nhỏ ép miếng mủ đông để lấy nước serum chảy ra, cho serum vào 1 cốc thủy tinh (becher), nhỏ vài giọt dung dịch Bari clorua (BaCl2) 5% vào, quan sát nếu thấy có phản ứng kết tủa trắng đục hiện ra, thì mẫu mủ có pha trộn chất bột trắng lạ vào mủ cao su.
Để ngăn chận việc pha trộn các chất gây hại vào mủ cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các Hội viên và doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra nguồn mủ nước trước khi đưa về nhà máy, dứt khoát không thu mua và ghi nhận thông tin của các nguồn cung cấp (thương lái, chủ vườn) loại mủ có pha trộn tạp chất để thông báo về cho Hiệp hội và Hiệp hội sẽ thông báo cho các Hội viên, doanh nghiệp khác nhằm tránh không thu mua mủ cao su từ các nguồn này.
Hiệp hội và Viện cùng đề nghị Ban quản lý thị trường các cấp từ Quận, Huyện trở lên cùng vào cuộc, đề ra biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận trong lĩnh vực mua bán mủ cao su nhằm bảo vệ quyền lợi cho các hộ tiểu điền, các nhà máy sơ chế cao su và bảo vệ thương hiệu cho cao su Việt Nam.