Bệnh phấn trắng và rụng lá Corynespora làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cây khai thác của các đơn vị thành viên VRG, đặc biệt là ở khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. PV Tạp chí Cao su VN đã có buổi trao đổi với ông Hà Văn Khương – Phó Ban Quản lý Kỹ thuật VRG xung quanh vấn đề giải pháp phòng trị bệnh.
Xin ông cho biết tình hình 2 bệnh: phấn trắng và rụng lá Corynespora ảnh hưởng đến vườn cây ở các đơn vị thành viên VRG hiện nay?
Ông Hà Văn Khương: Về tình hình rụng lá phấn trắng, năm nay 2012, Ban QLKT đánh giá cũng là năm vườn cây VRG bị ảnh hưởng ở mức độ nặng tại khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tại Tây Nguyên, các công ty thuộc VRG trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum có khoảng 30% diện tích khai thác bị ảnh hưởng ở mức độ nặng. Khu vực Duyên hải miền Trung: Quảng Trị trên 80% diện tích, Hà Tĩnh trên 40% diện tích khai thác bị nặng, rụng lá lần 2, phải mở cạo trễ trong tháng 5. Với khu vực Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ hơn hai khu vực trên. Tuy cục bộ có nơi bị nặng nhưng do gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như mưa đầu mùa kịp thời nên vườn cây đã sớm phục hồi.
Với bệnh rụng lá Corynespora, mức độ và quy mô đã giảm nhiều so với thời điểm bùng phát dịch năm 2010, do các công ty đã áp dụng triệt để các biện pháp phòng trị kịp thời. Có thể nói hiện nay chúng ta đang kiểm soát được bệnh này, đã khoanh vùng khống chế không để bệnh phát triển thành dịch trên diện rộng. Hiện nay còn khoảng 2.000 ha bị nặng tập trung chủ yếu trên giống RRIV4, và một số giống khác như PB260, RRIV2… tại các đơn vị như Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đồng Phú, Dầu Tiếng, Bà Rịa.
Đánh giá theo tiêu chí đơn vị có tỷ lệ diện tích vườn cây ở mức nặng cao, khả năng tán lá phục hồi tới thời điểm hiện tại thì Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang bị phấn trắng nặng nhất, hiện vẫn còn khoảng 2.500 ha tán lá phát triển kém. Đối với bệnh Corynepora thì nặng nhất tại Công ty Quảng Nam, từ đầu năm đến nay đã tổ chức phun phòng trị cho trên 800 ha, hiện nay còn khoảng 100 ha trong tình trạng nặng.
- Xin ông cho biết những giải pháp mà Ban Quản lý Kỹ thuật VRG khuyến cáo chữa trị hiện nay như thế nào?
Ông Hà Văn Khương: Cần xác định, trong ngắn hạn rất khó để loại trừ hẳn các loại bệnh trên vườn cao su nói chung, do ngoài yếu tố giống cây, bệnh hại có nguyên nhân do nấm, liên quan tới yếu tố môi trường, điều kiện thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp không kiểm soát được. Để hạn chế tác hại của các loại bệnh hại nói chung, cần áp dụng kết hợp các biện pháp một cách đồng bộ và hợp lý trong một quy trình tổng hợp, Ban QLKT khuyến cáo các đơn vị áp dụng các biện pháp gián tiếp như: Sử dụng các giống kháng bệnh; Không trồng các giống mẫn cảm với bệnh; không độc canh một dòng vô tính trên diện tích quá 200 ha; phun phòng, xử lý sạch bệnh trên cây con trước khi đưa ra trồng; không sử dụng cây con không có nguồn gốc; thường xuyên kiểm tra vườn cây để sớm phát hiện nhằm xử lý kịp… Trong điều kiện bệnh phát sinh phát triển mạnh thực hiện biện pháp trực tiếp: phun thuốc, với loại thuốc, liều lượng và cách phun đã ghi rõ trong Qui trình kỹ thuật VRG.
Ngoài ra trong năm 2012, trước tình hình vườn cây khu vực Tây Nguyên có nhiều diện tích tán lá chất lượng kém do ảnh hưởng bệnh hại từ các năm trước, Ban QLKT đã khuyến cáo biện pháp phun thuốc trên vườn khai thác kết hợp phân bón lá bằng sử dụng máy phun cao áp cho một số công ty khu vực Tây Nguyên.
- Hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp này ra sao và còn những khó khăn nào khác không, thưa ông?
Ông Hà Văn Khương: Có thể khẳng định tại VRG việc xử lý 2 loại bệnh trên ở các đối tượng vườn ươm, vườn nhân, vườn KTCB, là đạt kết quả cao do chúng ta chủ động được các loại vật tư như thuốc, máy phun. Các công thức thuốc đặc trị được Viện NCCS VN nghiên cứu, khảo nghiệm từ thực tế có tính tới cả hiệu quả về mặt kỹ thuật và kinh tế khi áp dụng. Đối tượng vườn cây phòng trị thấp, trong tầm phủ thuốc của máy phun, dễ tổ chức thực hiện… Đối với vườn cây khai thác, đối tượng cao hơn, việc xử lý tương đối khó do hạn chế về phương tiện phun, tuy vậy, qua kết quả phun thuốc phòng trị bệnh lá phấn trắng, kết hợp chất bám dính và phân bón lá đầu năm 2012 trên diện tích 7.000 ha tại 5 Công ty Mang Yang, Chư Sê, Chư Păh, Chư Prông, Kon Tum, cho thấy hiệu quả cao, giảm đáng kể tỷ lệ bệnh ở những diện tích được phun so với không phun.
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Đó chính là chuẩn bị phương tiện phun, số lượng trang bị và yêu cầu kỹ thuật của máy phun. Hiện nay cả máy sản xuất trong nước lẫn máy nhập cũng chỉ có hiệu quả trên vườn cây khai thác nhóm 1, với chiều cao khoảng 15 – 16 m, với những vườn cây cao hơn, việc đưa thuốc lên ngọn gặp khó khăn, nhất là phun trong điều kiện có gió như ở khu vực Tây Nguyên, hay điều kiện đất dốc khu vực Quảng Nam, Hà Tĩnh. Hơn nữa, hiện nay việc trang bị máy phun thuốc chuyên dụng tại VRG còn ít, chưa đủ nếu muốn phòng trừ bệnh trên diện rộng.
- Xin cảm ơn ông!