NDĐT- Liên tục từ đầu tháng 3-2013 đến nay, giá mủ cao su trên thị trường liên tục rớt giá. Giá mủ thấp, xuất khẩu ế hàng, khiến nhiều công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên tồn kho hàng nghìn tấn mủ.
Ông Lê Hữu Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên
cao su Kon Tum cho biết: Có thời điểm, giá mủ rớt từ 1-2 triệu đồng/tấn, từ 64-65 triệu đồng/ tấn mủ sơ chế, hiện chỉ còn 41-42 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá thành sản xuất.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, thị trường quen thuộc là Trung Quốc gần đây không chỉ giá thấp mà còn nhập khẩu rất ít sản phẩm mủ cao su. Một số nước châu Âu và các thị trường khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng tiêu thụ ít và bị cạnh tranh gay gắt về giá với các nước khác như Campuchia, Indonesia…
Giá thấp, sản phẩm tồn kho ảnh hưởng đến đời sống hàng nghìn công nhân. Công ty TNHH một thành viên cao su Kon Tum cho biết, công ty phải thắt chặt các khoản chi để đầu tư sản xuất. Hiện hơn 2.000 công nhân của toàn công ty đang thực hiện cho ứng 80% lương.
Giá mủ thấp, chi phí thu hoạch cạo mủ, chăm sóc cao hơn mọi năm, nên nhiều hộ gia đình chỉ vừa đủ trả công người lao động.
Theo Sở NN&PTNT, Kon Tum có gần 70.000 ha cao su, trong đó cao su quốc doanh là hơn 41.200 ha, cao su cá thể hơn 26.300 ha, là tỉnh có diện tích cao su tiểu điền nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh Kon Tum xác định, cây cao su, cà phê… là “ cây xóa đói giảm nghèo” bền vững cho người dân. Việc cao su rớt giá cũng là thông tin cảnh báo để các địa phương có kế hoạch điều chỉnh về cơ cấu cây trồng, không phát triển ồ ạt.