Cây cao-su có mặt ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng từ thời thuộc Pháp nhưng diện tích chưa nhiều và chủ yếu nằm trong tay các ông chủ đồn điền. Ngày nay, việc phát triển, mở rộng diện tích cây cao-su không chỉ được xem là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa, sử dụng hợp lý nguồn lực lao động khai thác các thế mạnh, tiềm năng hiện có mà còn tạo ra cơ hội để đồng bào tại chỗ xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Từ một chủ trương đúng...
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 103 nghìn ha cao-su, trong số này có khoảng 70 nghìn ha đã được đưa vào khai thác, sản lượng mủ đạt hơn 40 nghìn tấn/năm. Diện tích cao-su chủ yếu tập trung ở các công ty quốc doanh, trong đó bốn đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam là các Công ty TNHHMTV cao-su Chư Prông, Chư Sê, Chư Pả, Mang Yang, Binh đoàn 15 và một số doanh nghiệp tư nhân. Quán triệt chủ trương của tỉnh, các đơn vị đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu tiên tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ vào làm công nhân và nhận chăm sóc bảo vệ vườn cây, nhằm giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập.
Cho đến nay, trong tổng số hơn 30 nghìn lao động đang làm việc tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) cao-su trên địa bàn Gia Lai, đã có gần 15 nghìn lao động là đồng bào các DTTS tại chỗ, trong số này chiếm số đông là thanh niên.
Làm tốt việc tuyển dụng, đưa đồng bào DTTS vào làm công nhân và nhận khoán chăm sóc cao-su, trước hết phải kể đến các Công ty thuộc Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng). Sau gần 30 năm được giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, đến nay các đơn vị của Binh đoàn đã trồng được hơn 30 nghìn ha cao-su, giải quyết công ăn việc làm cho 15 nghìn lao động, trong số này có đến 4.330 hộ, 9.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Với phương châm "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn làng" đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh bảy trung tâm dân cư tập trung, hàng nghìn cụm dân cư ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngoài ra, các đơn vị công ty, xí nghiệp của đơn vị còn tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội với 220 thôn làng, bảy huyện biên giới thuộc các tỉnh Tây Nguyên, nhờ vậy đời sống của đồng bào không những ổn định phát triển, mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam cũng làm tốt công tác này.
Số công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số cũng được ưu tiên tuyển dụng và chiếm tỷ lệ khá cao: Công ty TNHH một thành viên cao-su Mang Yang số công nhân là dân tộc thiểu số là 1.836 người, chiếm 32% trên tổng số cán bộ, công nhân; Công ty cao-su Chư Prông có 1.373 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ (41%); Công ty cao-su Chư Sê có hơn 1.000 công nhân (38%); Công ty cao-su Chư Pả có 1.800 công nhân (52%). Ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, phương tiện cơ giới, quỹ đất ở những vùng thuận lợi, hướng dẫn, giúp cho hàng chục nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa để trồng cao-su tiểu điền. Không chỉ ưu tiên tuyển dụng, các đơn vị còn tạo mọi điều kiện để số công nhân là người DTTS được học thêm văn hóa, đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng lý luận chính trị... nhờ vậy nhiều người được kết nạp vào Đảng, được đề bạt giữ các chức vụ tổ trưởng, đội trưởng, phó giám đốc các nông trường, xí nghiệp, công ty.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cho biết: Thực hiện Quyết định số 750/QĐ-TTg của Chính phủ về Quy hoạch phát triển cao-su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó riêng vùng Tây Nguyên sẽ được giao trồng mới từ 95 đến 100 nghìn ha, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển cây cao-su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, sẽ sử dụng 66.457 ha đất xấu, bạc màu, rừng nghèo chuyển đổi để trồng cao-su, ngoài ra còn quy hoạch chuyển đổi 25.210 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả để phát triển cao-su tiểu điền. Qua thực tế và những lợi ích của cây caosu đem lại, có thể nói việc mở rộng diện tích trồng cao-su đã trở thành quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, đồng thời được xem là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa, sử dụng hợp lý nguồn lực lao động tại chỗ, khai thác các thế mạnh, tiềm năng của địa phương, tạo ra cơ hội để đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
... Đến cơ hội thoát nghèo
Tôi gặp chị Kpă Bem người dân tộc Gia Rai, là công nhân cạo mủ Đội 13, Nông trường Suối Mơ, thuộc Công ty TNHHMTV cao-su Chư Prông, khi chị vừa từ vườn cây trở về. Từ một công nhân tập sự nhưng nhờ chịu khó học hỏi, Kpă Bem đã vươn lên trở thành thợ cạo bậc cao, được công nhận là "Bàn tay vàng" cấp công ty qua các kỳ thi cạo mủ. Và, với thành tích cạo vượt khoán hơn bảy tấn mủ trên diện tích cao-su nhận khoán là ba ha, chị là một trong hai công nhân người DTTS, cùng với 35 cán bộ, công nhân có nhiều thành tích được công ty cho đi tham quan hai nước Trung Quốc và Ma-lai-xi-a vào năm 2006. Dù đã cách đây khá lâu nhưng khi kể về chuyến đi, Bem vẫn không giấu được niềm vui: Thú thật, đến các địa phương trong tỉnh em cũng mấy khi đi và đã biết hết đâu, vậy mà được đi ra nước ngoài, đến cả đời em cũng không mơ nổi. Em thật sự biết ơn lãnh đạo công ty, vì không có sự quan tâm này, cuộc sống của người DTTS như chúng em khó mà được mở rộng tầm nhìn với mọi người...
Nói thêm chuyện này, đồng chí Phan Sỹ Bình, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Đây là chủ trương của công ty từ năm 2006, mọi chi phí do công ty đài thọ và còn hỗ trợ tiền chi tiêu cá nhân cho mỗi người được đi là hai triệu đồng.
Chúng tôi sẽ duy trì hình thức này nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công nhân làm việc tích cực đạt năng suất chất lượng, hiệu quả cao. Chúng tôi cũng quy định, nếu đạt chất lượng và vượt mức chỉ tiêu giao khoán thì được tham quan trong nước, vượt ở mức cao hơn hai tấn/ha sẽ được tạo điều kiện đi tham quan nước ngoài như Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po...
Theo lời giới thiệu, tôi đến nhà ông Rơ Mah Bơn, làng Chan, thuộc xã biên giới Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (Gia Lai) gặp lúc ông đang ở nhà xem ti-vi. Đó là một căn nhà xây, tuy không to nhưng khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ. Trong nhà không thiếu những vật dụng sinh hoạt đắt tiền như ti-vi, xe máy, tủ lạnh, máy giặt, cả dàn máy vi tính "xịn"; bên ngoài sân một chiếc xe máy cày ông mới mua 120 triệu đồng-một tài sản không phải gia đình nào cũng có... Ông pha nước mời khách rồi bắt đầu câu chuyện: Ngày đó, người Gia Rai ở làng mình khổ lắm, quanh năm chỉ biết đốt rừng để làm lúa rẫy, mỗi năm một mùa, năm được năm mất. Năm 1985, bộ đội của Công ty 72 (Binh đoàn 15) về phát dọn đất hoang để trồng lứa cao-su đầu tiên. Bộ đội cùng chính quyền xã vận động mãi mới được 96 người đăng ký vào làm công nhân. Trong thời gian này, Công ty chu cấp cho đồng bào gạo ăn hằng tháng, chăm lo về y tế, vận động con em đến trường... Ngày ấy, với người Gia Rai ở làng Chan, cây cao-su còn là một thứ cây hết sức xa lạ, đồng bào chưa nghe, chưa thấy bao giờ; lại nghe cán bộ nói phải bảy năm sau thì cao-su mới cho thu hoạch nên nhiều người tỏ ra nghi ngại. Có nhiều người đã bỏ công ty, quay về nhà làm rẫy, không ít người vào tận rừng sâu đào đãi vàng chỉ còn 23 người ở lại trồng cao-su với công ty. Với suy nghĩ không thể để cho dân làng mình cứ đói khổ mãi nên Rơ Mah Bơn, một mình, len lỏi vào tận rừng sâu, nơi dân làng đang đào đãi vàng để gọi họ trở về... Ông Rơ Mah Bơn phấn khởi: Đội 711 có 141 hộ công nhân thì đã có đến 134 hộ với 139 lao động là người làng Chan. Nhà tôi hiện có đến sáu người con làm công nhân cao-su, một cháu hiện là Đội phó đội 711. Làng Chan bây giờ, không những không còn hộ nào thuộc diện đói nghèo nữa mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây cao-su. Người Gia Rai ở làng Chan đã chọn đúng con đường đi của mình rồi!".
Đồng chí Phan Sỹ Bình, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cao-su Chư Prông, người đã hơn 30 năm gắn bó với cây cao-su, gắn bó với đồng bào DTTS nơi đơn vị anh đứng chân, tâm sự: Với đặc thù của Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, vận động người trong độ tuổi lao động, nhất là thanh niên, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân, nhận khoán chăm sóc vườn cây, phát triển cao-su tiểu điền, cũng có nghĩa là vận động họ thay đổi cách nghĩ, cách làm; thay đổi tập quán làm ăn theo kiểu đi muộn về sớm, bằng cách thức làm ăn mới có tổ chức, có kỷ luật, kỹ thuật theo một quy trình nghiêm ngặt. Do vậy, việc ưu tiên tuyển dụng, và tạo điều kiện thuận lợi để bà con làm ăn theo chủ trương này còn mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc; là cơ hội để đồng bào xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, góp sức mình cùng cộng đồng xây dựng, phát triển quê hương Tây Nguyên giàu mạnh.