Hotline: 0908961396

Chủ động phòng chống rét cho cây cao su

19/01/2011
Chủ động phòng chống rét cho cây cao su
Năm 2010, trên địa bàn tỉnh Sơn La điều kiện thời tiết hết sức khó khăn cho việc trồng mới và trồng dặm cao su, lượng mưa ít, rét đến sớm và có dấu hiệu của rét đậm, rét hại, sương muối. Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Công ty CPCS Sơn La đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét cho cây cao su.
Đối với vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, mùa khô và mùa rét trùng vào một thời điểm, vì vậy việc chăm sóc cây cao su một cách khoa học, hợp lý là hết sức quan trọng. Rút kinh nghiệm qua các năm, đặc biệt là đợt rét đậm, rét hại năm 2008 làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Công ty CPCS Sơn La thường xuyên nghiên cứu nhằm tìm ra những biện pháp hiệu quả nhất trong việc trồng, bảo vệ và chăm sóc cây cao su.
Qua 3 năm qua, công ty đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phát triển cây cao su của tỉnh và các huyện rà soát, tham mưu cho tỉnh quy hoạch và lựa chọn những vùng đất ít dốc, tập trung liền vùng liền khoảnh, chủ yếu ở cao trình dưới 600 m và độ dốc dưới 30 độ, để phát triển cây cao su. Trong đó, chú ý đến yếu tố tiểu vùng khí hậu để bố trí cơ cấu giống và chế độ chăm sóc phù hợp. Việc trồng mới cây cao su được tập trung vào mùa mưa, kết hợp chăm sóc vườn cây bằng phương pháp tủ ẩm, bổ sung thêm phân bón để bắt đầu đến mùa rét cây đã sinh trưởng phát triển tốt.
Bên cạnh đó, công ty chú trọng nghiên cứu bộ giống phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng, đưa vào trồng thử nghiệm một số giống cao su có khả năng chịu lạnh tốt. Đến nay, trên 480 ha cây cao su trồng bằng giống chịu lạnh của Trung Quốc và 2 ha trồng ở độ cao 1050 m tại xã Long Hẹ (Thuận Châu) đang sinh trưởng, phát triển tốt. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Cao su VN, bước đầu khẳng định đây là những loại giống có khả năng thích nghi cao với thời tiết ở vùng có khí hậu lạnh tại Sơn La.
Kết thúc vụ trồng mới năm nay, tổng diện tích cây cao su của công ty đã có trên 5.500 ha. Ngay từ cuối tháng 9, công ty đã chỉ đạo các đội sản xuất triển khai các biện pháp kỹ thuật, chủ động phòng chống rét. Đối với diện tích KTCB trồng từ năm 2007-2009, công ty tập trung làm cỏ vun vào gốc để giữ ẩm. Còn với diện tích trồng mới năm 2010, công ty thực hiện tủ ẩm và bón phân kali cho diện tích cây giống tại các vườn ươm. Đối với diện tích cao su trồng trên những vùng đất xấu, sinh trưởng phát triển kém tiến hành các biện pháp chăm sóc đặc biệt, như tăng cường tưới nước, bón phân qua lá để tăng cường sức chống chịu của cây. Tại mỗi đội sản xuất, công ty đều đặt đồng hồ đo nhiệt độ và độ ẩm, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách theo dõi thời tiết.
Năm 2010, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã lắp đặt 3 máy đo thời tiết tại đội cao su Ít Ong (Mường La), Tông Lạnh (Thuận Châu), và Mường Bon (Mai Sơn) để xác định chỉ tiêu nhiệt độ, độ ẩm 24/24 giờ trong ngày để phục vụ công tác nghiên cứu, phục vụ sản xuất. Công ty thường xuyên liên lạc với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc để nắm tình hình thời tiết, tìm hiểu chu kỳ xuất hiện các hiện tượng thời tiết bất thường, như rét đậm, rét hại, sương muối. Hiện nay, công ty đang phối hợp với Ban Chỉ đạo phát triển cây cao su của tỉnh tiến hành các bước xây dựng trung tâm nghiên cứu cao su tại Tây Bắc, để nghiên cứu các loại giống và chế độ chăm sóc phù hợp với điều kiện thực tế của từng khu vực.
Nhờ chủ động các biện pháp đối phó trước diễn biến thất thường của thời tiết, nên 3 năm qua toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn tỉnh luôn bảo đảm sinh trưởng, phát triển tốt, tạo được niềm tin của nhân dân, cũng như các điều kiện thuận lợi để tiếp tục quy hoạch, mở rộng diện tích cao su cho những năm tiếp theo.
Hoàng Quân
www.hoangminhco.com Theo caosu