Hotline: 0908961396

Điện Biên trồng mới hàng trăm hécta cao su

03/01/2014
Điện Biên trồng mới hàng trăm hécta cao su
* Năm 2013, trồng mới, tái canh 579 ha Trong những năm qua, diện tích trồng cây cao su tại Điện Biên gia tăng nhanh chóng. Nhờ tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên của tỉnh, vườn cây cao su đã sinh trưởng và phát triển tốt, mở ra cơ hội xoá đói giảm nghèo, làm giàu trên vùng đất khó.
 Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Cty CP Cao su Điện Biên, trong 9 tháng đầu năm 2013, Cty đã trồng mới được 452,36 ha; tái canh 126,88 ha cao su. Bên cạnh đó, để đảm bảo mật độ trồng cây cao su theo đúng kỹ thuật, Cty tiến hành trồng dặm 52.115 bầu (tương đương 91,27 ha quy đông đặc) thay thế cho những gốc cây bị chết.

Cơ cấu giống trồng năm 2013 chủ yếu vẫn là RRIV 124, RRIM 712; ngoài ra, Cty cũng đã trồng thử nghiệm hơn 97 ha bằng giống IAN 873 trên các lô đồi có độ cao 650 m. Đánh giá về chất lượng vườn cây trồng mới, ông Thắng nhận định: Do chủ động được nguồn giống và trồng đúng mùa vụ nên chất lượng vườn cây trồng mới đạt chất lượng tốt, tỷ lệ sống đạt trên 92%.

Cây trồng mới bằng bầu cắt ngọn (giống IAN 873) đạt 1 – 2 tầng lá; được đoàn phúc tra công tác tái canh trồng mới và chăm sóc cao su KTCB năm 2013 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam kiểm tra ngày 8 – 9/10/2013 đánh giá rất rao. Tổng diện tích vườn cây cao su của Cty tính đến hết tháng 9/2013 đạt 3.342,86 ha (đã trừ diện tích góp vốn vào Cty CP Cao su Mường Nhé).

Ngoài ra, Cty cũng đã tập trung chỉ đạo công tác chăm sóc diện tích cao su đã trồng, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật như: phát cỏ trên hàng và giữa hai hàng kịp thời toàn bộ diện tích, không để thực bì xâm lấn; phun thuốc diệt cỏ tranh, sặt, le, đót trên diện tích 2.454,92 ha; bón phân thúc 2 lần; tiến hành bón phân qua lá, bổ sung thêm phân bón sinh học để tăng cường hệ vi sinh vật cho đất, kích thích sinh trưởng cho cây.

Riêng đối với diện tích chăm sóc đặc biệt 1524,61 ha, ngoài các biện pháp chăm sóc thông thường, Cty đã tăng cường công tác làm cỏ, bón phân qua lá, bón phân đạm xanh nên cao su phát triển khá tốt.

Đến nay, những diện tích cây cao su được chăm sóc đặc biệt đã sinh trưởng phát triển khá, mật độ cây, độ đồng đều cả về chiều cao lẫn tăng trưởng vanh thân đã tăng lên đáng kể. Về việc trồng xen đậu thảm phủ Mucuna, các đơn vị thuộc Nông trường Mường Chà, Nông trường Tuần Giáo thuộc Cty đã trồng 156,77 ha.

Để có được thành quả trên, trong suốt thời gian qua, Cty đã chủ động, tích cực chỉ đạo các Phòng, Nông trường, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra hiện trạng vườn cây; triển khai phun phòng bệnh trên toàn bộ diện tích; phát hiện và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh hại như botryodiplodia, rệp, bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá… nên không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây.

Theo ông Thắng, hiện tại Cty có 2 Nông trường thành viên và 16 đội sản xuất với 400 CBCNV, 114 hộ gia đình nhận khoán vườn cây và hàng chục lao động hợp đồng, thử việc. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số có 303 người.

Người lao động được trả mức lương khá cao, có thể ổn định được đời sống. Thu nhập bình quân của lao động trực tiếp là 3.522.000 đồng/người/tháng; thu nhập bình quân toàn Cty (lao động trực tiếp và gián tiếp) đạt 4.025.000 đồng/người/tháng. Tính đến hết tháng 9, đã có 382 người được Cty đóng nộp các chế độ bảo hiểm với số tiền trên 2 tỷ đồng. 

Để nâng cao trình độ chuyên môn cho CBCNV, tháng 8/2013, Cty CP Cao su Điện Biên đã hợp đồng với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su mở lớp Đào tạo kỹ thuật khai thác mủ sao su cho 31 cán bộ, công nhân; cử hai cán bộ tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý xí nghiệp chế biến.

Song song với việc phát triển sản xuất, công tác giải phóng mặt bằng, mở đường giao thông, xây dựng, kiến thiết cơ bản cũng được Cty đẩy mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho CBCNV Cty làm việc và sinh hoạt tại các vùng trồng cao su tập trung.

Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo caosu.net