Vừa qua, Hiệp hội Cao su VN (VRA) phối hợp với Tập đoàn TV Rheinland Việt Nam tổ chức hội thảo tuân thủ Luật định REACH – quy định an toàn của cộng đồng Châu Âu về việc đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Có hơn 30 doanh nghiệp cao su quan tâm tham gia buổi hội thảo.
Luật định REACH là gì?
Trong thời gian gần đây, nhiều DN quan tâm và lo ngại trước một đạo luật mới của EU, đó là đạo luật về hóa chất REACH. Đây là quy định an toàn của cộng đồng Châu Âu về việc đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất.
Từ ngày 1/6/2007, Quy định quản lý mới đối với hóa chất của EU chính thức có hiệu lực và liên tục được cập nhật. Theo yêu cầu của REACH, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý rủi ro và cung cấp thông tin an toàn về các hóa chất sử dụng. Từ đó, doanh nghiệp cần phải đảm bảo đánh giá được tính nguy hại của các hóa chất cũng như nhận diện và áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Để thực thi hệ thống REACH, EU đã thành lập Cơ quan Hóa chất Châu Âu (European Chemicals Agency gọi tắt là ECHA), có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan với nhiệm vụ giám sát thực hiện REACH, cung cấp thông tin, tài liệu cơ bản cũng như tiến hành các biện pháp cần thiết để REACH phát huy tác dụng. DN làm hồ sơ đăng ký gửi đến, REACH sẽ kiểm tra đánh giá sự phù hợp, tính đầy đủ của hồ sơ. Các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên EU cũng sẽ đánh giá các chất này để xác định liệu các chất đó có cần phải quản lý hoặc hạn chế hay không. Nếu không phát hiện chất có độc hại sẽ cấp phép, còn nếu phát hiện có chất độc hại thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấm tiêu thụ hóa chất hoặc toàn bộ sản phẩm có chứa chất hóa học trên phạm vi lãnh thổ EU.
Đối tượng phải đăng ký tuân thủ Luật định REACH là các DN, nhà sản xuất hóa chất; Nhà nhập khẩu hóa chất; Nhà đại diện duy nhất tại Châu Âu. REACH có phạm vi áp dụng rất rộng, bao gồm tất cả các chất được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hoặc bày bán trên thị trường EU với khối lượng từ 1 tấn/năm trở lên. Thời hạn đăng ký xa nhất là đến năm 2018, tuy nhiên hạn chót cho việc đăng ký phụ thuộc vào khối lượng hóa chất đưa vào lưu thông trên thị trường EU, có nghĩa là các hóa chất có khối lượng lớn và nguy cơ gây mất an toàn cao thì phải đăng ký sớm hơn.
Các DN cần lưu ý, tham khảo rõ Luật định
Tại buổi hội thảo, ý kiến thắc mắc chung của các nhà doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm là nếu như sản phẩm của đơn vị xuất khẩu là đồ vật thì phía nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đăng ký Luật định REACH rồi thì các DN không phải đăng ký REACH nữa, mà ghi rõ tiêu chuẩn ở bao bì sản phẩm. Thắc mắc này được ông Nguyễn Bảo Dân, Chuyên viên tư vấn luật định REACH – Tập đoàn TV Rheinland Việt Nam giải đáp: các DN không cần phải đăng ký lại, mà chỉ cần cập nhật thông tin cho bên quản lý, tuy nhiên phải trả thêm phí cho phần cập nhật thông tin mới này. Đặc biệt, nếu nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đã đăng ký tuân thủ Luật định REACH rồi thì các DN không cần phải đăng ký lại nữa, mà chỉ cần ghi rõ trên sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng VRA, đối với các DN
cao su nên tùy vào từng trường hợp cụ thể, xem xét, nghiên cứu tìm hiểu rõ về Luật định REACH. Đặc biệt là các đơn vị có thị trường xuất khẩu Châu Âu là chính thì cần đặc biệt chú ý, tìm hiểu thông tin về Luật định này. Trước mắt, các đơn vị nên chọn lựa nhà cung cấp nguyên liệu hóa chất đã đăng ký Luật định REACH, thì DN chỉ cần in lên sản phẩm, bao bì. Còn nếu như bên cung cấp nguyên liệu chưa đăng ký tuân thủ Luật định REACH thì DN cần phải đăng ký để hợp thức hóa xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.
Tuy nhiên về lâu dài, các DN nên đăng ký tuân thủ Luật định REACH khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, bởi nếu không đăng ký hoặc đăng ký nhưng không được chấp nhận có nghĩa là chất hóa học đó sẽ không được cấp phép nhập khẩu hoặc sản xuất trong lãnh thổ EU.