Cùng với diễn biến tích cực của giá cao su, các doanh nghiệp cao su tự nhiên đã đồng loạt báo lãi khả quan trong quý 3/2016.
Quý 3 lãi khả quan
Các doanh nghiệp niêm yết ngành
cao su tự nhiên đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2016 với những con số khả quan so với những đồn đoán khó khăn hồi đầu năm.
Đầu tiên phải kể đến hai ông lớn ngành cao su thiên nhiên là Cao su Phước Hòa (PHR) và Cao su Đồng Phú (DPR), cả PHR và DPR đã cùng nhau báo lãi đột biến trong tháng 9, góp phần đưa lãi lũy kế 9 tháng vượt kế hoạch năm. Trong đó, Cao su Phước Hòa (PHR) quý 3 lãi ròng đột biến 64 tỷ đồng nhờ bán cây cao su. Lũy kế 9 tháng PHR có lãi ròng 131 tỷ đồng tăng mạnh 88%, vượt 31% kế hoạch năm còn Cao Su Đồng Phú (DPR) báo lãi ròng 37,7 tỷ đồng mặc dù giảm 26% so với cùng kỳ tuy nhiên lũy kế 9 tháng lãi 85,5 tỷ đồng và đã vượt 50,7% kế hoạch LNTT cả năm 2016.
Hai doanh nghiệp khác là Cao su Tây Ninh (TRC) và Cao su Hòa Bình cũng lần lượt công bố lãi ròng quý 3 đạt 29,8 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và lãi ròng gần 3 tỷ đồng tăng 77% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, trong khi TRC vượt nhẹ kế hoạch lãi trước thuế cả năm (37 tỷ đồng) thì HRC cũng đã vượt tới 24% kế hoạch.sheet
Đi ngược lại với nhóm doanh nghiệp trên thì Cao su Thống Nhất (TNC) chỉ lãi gần 1,7 tỷ đồng trong quý 3 giảm gần 78% so với cùng kỳ do công ty không có thu nhập từ hoạt động thanh lý vườn cây cao su. Đáng chú ý là khoản lỗ của Cao su Quảng Nam (VHG), sai lầm khi đầu tư Thủy sản Viễn Đông đã khiến VHG gánh lỗ đậm quý 3 hơn 17 tỷ – lỗ lớn nhất kể từ quý 1/2013.
Kỳ vọng lợi nhuận quý 4/2016
Theo một báo cáo phân tích của BSC thì
giá cao su bán ra của các doanh nghiệp thường có độ trễ so với giá cao su thế giới. So sánh giá cao su bán ra của TRC và DPR với giá latex của Malaysia, giá cao su bán ra trung bình trong nước thường tạo đỉnh (hoặc đáy) khoảng 2-3 tháng trễ hơn so với diễn biến giá cao su trung bình của thế giới. Theo đó, BSC kỳ vọng giá cao su bán ra của các doanh nghiệp trong nước trong quý 4 sẽ giao động quanh mức hiện tại, khoảng 30 – 31 triệu/tấn. Đây là mức giá cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch (26 triệu) và cao hơn 12% so với mức giá bán trung bình trong quý 4/2015 – 27.3 triệu/tấn.
Tổng kết sản lượng theo tháng qua các năm thì có tới 35-40% sản lượng đóng góp từ quý 4. Trong năm 2016, sản lượng sản xuất các tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, dưới ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh khai thác vào các tháng cuối năm để hoàn thành sản lượng. Theo đó, BSC kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng mạnh trong quý 4/2016.