Giá XK cao su năm 2012 tăng giảm “ngập ngừng” và dao động ở mức bình quân 3.000 USD/tấn, giảm gần 34% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do nền kinh tế suy thoái, nhiều DN phá sản, cùng việc Trung Quốc đưa ra một số chính sách thắt chặt nhập khẩu cao su ở mậu biên. Dự báo năm 2013 giá cao su khó khởi sắc và sẽ trở thành một ẩn số!
Năm 2012, do giá
cao su liên tục giảm trên thị trường mậu biên Trung Quốc và thường xuyên bị đóng cửa nên giá cao su tiểu điền VN có lúc giảm rất mạnh bằng 50% năm 2011 đã ảnh hưởng lớn đến giá cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG). Có thời điểm như trong quí 3/2012, ngành cao su tồn đọng tới 60 ngàn tấn mủ, trong đó khoảng 50% là số lượng để dành giao cho khách hàng hợp đồng dài hạn và bán chuyến, còn lại là tồn kho. Do tình hình giá bán cao su biến động theo chiều hướng giảm mà trong 3 quý đầu năm 2012, VRG phải ban hành đến hơn 60 lượt giá sàn nhằm xử lý khó khăn đối với các loại hợp đồng và tình hình tồn kho nói trên.
Điều đáng nói, trong năm 2012, một số công ty cao su còn bị thiệt hại khá nặng nề do thiên tai mưa bão, gió lốc gây ra, trong đó làm gãy đổ hàng loạt diện tích cây cao su đang khai thác ở Đồng Nai, Bà Rịa. Chính điều này mà trong tháng 11, VRG đã phải ký quyết định điều chỉnh lại chỉ tiêu kế hoạch sản lượng cho 7 công ty cao su với tổng sản lượng giảm đến 4.750 tấn, bao gồm: Tổng Cty Cao su Đồng Nai giảm 800 tấn; Cty CP Cao su Hòa Bình giảm 350 tấn; Cty TNHH MTV Cao su Chư Păh giảm 300 tấn; Cty TNHH MTV Cao su Chư Sê giảm 1.200 tấn; Cty TNHH MTV Cao su Mang Yang giảm 800 tấn; Cty TNHH MTV Cao su Quảng Trị giảm 800 tấn; Cty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh giảm 500 tấn. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thuận - TGĐ VRG, giá năm nay giảm so năm 2011, dù chỉ xấp xỉ mức bình quân 3.000 USD/tấn nhưng các nhà SX cao su vẫn duy trì được lợi nhuận.
Một trong những vấn đề khiến nhiều người còn băn khoăn là XK cao su VN hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Lý do chính là do phương thức bán hàng tiểu ngạch qua Trung Quốc được nhiều DN cho là nhiều tiện lợi về thủ tục pháp lý, cách thanh toán, giao nhận, cước vận chuyển ít. Hơn nữa, thị trường này cũng không đòi hỏi cao về chất lượng, bao bì đóng gói nên hàng chất lượng nào cũng “đầu xuôi đuôi lọt”, còn XK chính ngạch thì không chỉ cả hai bên đều phải chịu thuế mà tiêu chuẩn chất lượng cao su cũng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn. Ông Lê Đức Tánh (TGĐ Cty TNHH MTV Cao su Chư Păh) nói: “Tình hình xuất khẩu cao su mậu biên sang Trung Quốc thường xuyên gặp khó khăn do phía bạn áp dụng các chính sách kiểm soát, hay còn gọi là hàng rào linh hoạt, do đó hàng hóa mậu biên phía VN thường bị ách tắc tại cửa khẩu, dẫn đến giá bị giảm”.
“Cung sẽ vượt cầu năm thứ 3 liên tiếp vào năm 2013 và giá cao su sẽ tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, sản lượng cao su sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ khoảng 299.000 tấn, trong khi mức thặng dư năm 2012 ước tính 321.000 tấn, còn năm 2011 chỉ có 4.000 tấn” (Nhóm nghiên cứu hàng hóa châu Á - RCMA).
Theo VRG, ngành cao su VN đã và đang tìm cách “thoát” dần thị trường này. Nếu năm 2011, VN xuất khẩu sang TQ chiếm tỷ lệ đến 62% thì năm 2012 dự kiến còn khoảng 50%, sau khi đẩy mặt hàng cao su XK tăng trưởng thêm qua 2 thị trường là Malaysia và Ấn Độ. Ông Đinh Vạn Tiến (Trưởng Ban XNK VRG) cho hay: “Đến nay có khoảng 70% sản lượng mủ của VRG có hợp đồng XK dài hạn sang thị trường EU, Nga, Nhật, Mỹ, Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.., chứ không phải lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc như trước đây”. Được biết, riêng VRG hiện đã có thị trường XK tại trên 40 nước. Xu hướng của toàn ngành là giảm dần tỷ trọng XK sang Trung Quốc, còn 40% sang năm 2013.
Ông Prachaya Jumpasut, GĐ điều hành Công ty TNHH Kinh tế cao su Rubber Economist (Anh) dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên sẽ tiếp tục giảm mạnh, trước khi có một đợt hồi phục vào năm 2013 nhờ tiêu thụ ở các nước khu vực châu Á tăng lên. Tăng trưởng về mặt sản lượng của cao su tự nhiên có thể chậm đi nhưng ông Jumpasut cho biết sẽ vẫn có thặng dư. Sau khi xem xét các yếu tố như tỉ lệ dự trữ và tiêu dùng, khả năng đồng USD mất giá, tăng trưởng kinh tế thế giới, ông Prachaya nhận định giá cao su thế giới có thể lên đến 4 USD/kg, tức 4.000 USD/tấn trước khi năm 2013 kết thúc.
Còn ông Trần Ngọc Thuận, TGĐ VRG cho biết, giá cao su hoàn toàn có thể giữ mức 3.000 USD/tấn trong năm 2013. Trái lại, nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng vẫn còn một kịch bản xấu nhất như biến động giá xăng dầu, tình hình kinh tế thế giới, tỷ giá, lãi suất, tiêu thụ cao su thiên nhiên tại những nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc... không thuận lợi thì giá cao su năm 2013 vẫn có thể xuống mức 2.000 USD /tấn!?