Dữ liệu của ngành điều cho thấy nhu cầu tiêu thụ đã tăng trưởng 53% kể từ năm 2010, nhanh hơn bất kỳ loại hạt nào khác. Giờ đây, hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua đã khiến Việt Nam, nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, đối mặt với sản lượng thấp
Lượng mưa thấp tại đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng khác trên cả nước đã làm giảm sản lượng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, tiêu đen, cà phê và thủy sản. Sản lượng điều thu hoạch trong mùa vụ năm nay đã giảm 11%, đẩy giá thu mua trong nước tăng 1/3, lên mức cao nhất từ trước đến nay.
"Không có năm nào như năm nay", ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, nói với Bloomberg. Ông cho biết thêm rằng giá có thể vẫn sẽ ở mức cao cho tới kỳ thu hoạch đầu năm tới.
Hạt điều đã vượt qua quả óc chó và hạt dẻ cười (quả Hồ trăn - pistachios) trong những năm gần đây để xếp thứ nhì sau quả hạnh nhân trong nhóm hạt cây (tree nuts), theo dữ liệu của Hội đồng hạt và trái cây khô quốc tế (INC). Hiện
thị trường các loại hạt cây có trị giá 30 tỷ USD, riêng hạt điều là 5,2 tỷ USD.
Theo dữ liệu thu thập được, mức tiêu thụ hạt điều toàn cầu trong năm 2014 đạt kỷ lục 716.682 tấn, tăng mạnh so với mức 469.241 tấn trong năm 2010, INC cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ loại hạt này tăng mạnh trên toàn cầu đã châm ngòi cho kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 70% trong hơn một thập kỷ qua, lên mức 503.713 tấn. Trong đó Mỹ chiếm một phần tư thị trường nhập khẩu. Ấn Độ chiếm một phần ba lượng tiêu thụ toàn cầu, đồng thời là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
Cây điều thường được trồng thương mại ở vùng có lượng mưa nhiều và khí hậu ấm áp như miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đợt khô hạn bất thường trong năm qua đã gây ra thiệt hại trong ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ năm nay.
Tại Bình Phước, tỉnh chiếm hơn nửa sản lượng thu hoạch điều của Việt Nam, ông Hoàng Thùy Dương (45 tuổi) cho biết ông chỉ thu hoạch được 8 tấn điều trong năm nay, thấp hơn so với mức trung bình là 11 tấn. Hạn hán "đã khiến cây điều bị còi cọc, khiến các chồi non bị giảm khả năng ra hoa, đậu trái", ông Dương - người nông dân có hơn 20 năm trồng 4 ha điều - cho biết.
Giá điều thô trong nước đã tăng lên 52.000 đồng một kg, mức cao kỷ lục, từ mức 38.000 đồng hồi đầu năm, theo số liệu của Hiệp hội Điều (Vinacas).
Bóc trần hạt điều
Tuy vậy, ngành điều Việt Nam không hoàn toàn phụ thuộc vào sản lượng trong nước. Khoảng 2/3 nguồn cung đầu vào của ngành là đến từ các nơi khác. Tây Phi chiếm khoảng 46% sản lượng điều thô thế giới năm 2015, và phần lớn điều trồng nơi đây được chế biến tại Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.
Việc chế biến cần nhiều lao động. Mỗi khu thu hoạch vỏ hạt điều được làm mềm bằng hơi nước sau đó được bóc ra bằng tay. Các hạt được sấy khô, bóc vỏ và được phân loại theo kích cỡ và chất lượng. Công nhân thường phải thoa dầu vào tay để tránh tiếp xúc với chất độc trong trái điều, vốn có độ độc tương đương trong lá thường xuân.
Vì vậy, ngay cả khi sản lượng trong nước giảm, kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam vẫn có thể gia tăng mạnh, một phần do sản lượng tại Bờ Biển Ngà đang gia tăng. Việt Nam có thể nhập khẩu khoảng 800.000 tấn điều thô chưa bóc vỏ trong năm nay, gấp đôi so với sản lượng trong nước, theo ông Thanh. Việt Nam chiếm 15% sản lượng điều toàn cầu và chiếm 58% thị phần xuất khẩu trong năm 2014.
Xuất khẩu gia tăng
Hiệp hội Điều Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt 300.000 tấn điều hạt chế biến, tăng từ 286.000 tấn năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 34%. Trong 10 tháng đầu năm, hạt điều góp 2,33 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu đều tăng, theo Tổng cục Thống kê. Giá trị xuất khẩu cả năm nay có thể đạt mức kỷ lục 2,7 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục của năm ngoái là 2,4 tỷ USD.
Trong khi sản lượng từ châu Phí có thể bù đắp cho một vụ mùa thất thu của Việt Nam, thì việc nhu cầu gia tăng vẫn đang tác động đến thị trường điều chế biến. Giá điều xuất khẩu đã tăng 22% lên 7.809 USD một tấn trong tháng Tám, ông Thanh cho biết, theo số liệu của Bộ Công nghiệp Việt Nam. Còn giá mỗi tấn điều xuất khẩu theo điều kiện FOB tại TPHCM vào ngày 30/10 đạt 9.000 USD.
"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu toàn cầu tăng trưởng một con số trong năm nay, trái ngược với nguồn cung được cho là ổn định hoặc có thể thấp hơn so với năm ngoái", Amit Khirbat, Phó Chủ tịch cao cấp tại Olam International, một công ty kinh doanh điều Việt Nam, nói. "Giá cao trong năm nay có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể trong năm tới".