Hôm (6/9) vừa qua, giá cao su giao tháng 2 trên sàn Tocom tại Tokyo giảm 0,9 yên, tương đương 0,32% xuống 282,7 yên/kg.
Cao su giảm tại Tokyo như đồng tiền của Nhật tăng trở lại so với đồng USD, làm giảm sự hấp dẫn của các hợp đồng kỳ hạn dựa trên đồng yên và tăng mối quan lo ngại rằng cuộc xung đột Syria có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đồng yên tăng mạnh lên 99,70 yên/USD từ mức thấp nhất kể từ 25/7.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá
cao su Tocom đã tăng 5,05% so với phiên cuối tuần trước do tổng hợp bởi nhiều yếu tố như kinh tế Mỹ, Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, làm tăng kỳ vọng cầu cao su sẽ tăng trong tương lai. Nguy cơ xảy ra chiến tranh tại Syria cũng khiến giá cao su tăng do lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ bị gián đoạn, đẩy giá cao su nhân tạo tăng.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến nguồn cung là xảy ra biểu tình đòi can thiệp tăng giá của nông dân trồng cao su ở miền nam Thái Lan, nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Theo các nhà kinh doanh nước này, lượng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng ít nhất 1 tuần do vụ việc này.
Việc đồng yên giảm liên tục so với USD trong những ngày qua cũng khiến giá cao su tính chung cả tuần qua tăng mạnh so với tuần trước.
Giá cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải hôm qua tăng 165 nhân dân tệ, tương đương 0,8% lên 20.810 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thái Lan giao tại cảng giảm 0,9% xuống 85,65 baht/kg (2,65 USD) trong ngày 5/9, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu cao su của Thái Lan.